MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chăn nuôi công nghệ cao góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm. Ảnh: Giang Nguyễn

Nông nghiệp công nghệ cao: Không đẩy nhanh sẽ lỡ chuyến tàu cao tốc EVFTA

Vũ Long LDO | 20/11/2020 18:14

Tham gia hàng loạt Hiệp định Thương mại tự do đã mở ra nhiều cơ hội cho nông nghiệp Việt Nam, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao.

Nông nghiệp công nghệ cao - không làm ngay sẽ muộn

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), nghệ cao là vấn đề cốt yếu của một nền nông nghiệp không chỉ sạch mà còn năng suất cao, Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã đưa ra nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, đẩy mạnh hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.

Các chính sách của Chính phủ đã thu hút được nhiều tập đoàn kinh tế lớn đầu tư, nâng cao trình độ sản xuất, hình thành các tập đoàn nông sản mạnh theo chuỗi, giúp nông sản Việt Nam tăng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, ổn định thị trường trong nước, vươn tầm cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Đến nay, cả nước có 1.292 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong tổng số 15.592 hợp tác xã nông nghiệp.

Trên địa bàn cả nước đã triển khai xây dựng và phát triển mô hình chuỗi với 1.484 chuỗi an toàn thực phẩm. Ngoài ra, Nhà nước cũng đã hỗ trợ thành lập 3 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tạo hạt nhân về công nghệ cho một số vùng sinh thái nông nghiệp (tại Phú Yên, Bạc Liêu và Hậu Giang)...

Tuy nhiên, các chuyên gia nông nghiệp cho rằng, tiềm năng của nông nghiệp cao rất lớn, nhưng kết quả đạt được chưa nhiều. Ngành nông nghiệp cần khẩn trương để nông nghiệp công nghệ cao phát triển như xu thế tất yếu, nếu lừng khừng, một năm nữa đã là muộn vì sự cạnh tranh trên thị trường không cho phép chúng ta do dự.

Nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao đã hình thành và phát triển, đáp ứng yêu cầu của EVFTA. Ảnh: DV

"Chuyến tàu cao tốc EVFTA không cho phép bất kỳ sự chần chừ nào" - ông Vũ Tuấn Anh - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn giấy in nhiệt Athena Việt Nam, nhấn mạnh.

"Chìa khóa" để chiếm lĩnh thị trường Châu Âu

Theo TS Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), thị trường Châu Âu (EU) có kim ngạch nhập khẩu đứng thứ 2 thế giới, chiếm 14,9% tổng nhập khẩu toàn cầu. Song thực tế, chúng ta mới chiếm lĩnh được khoảng 2% thị phần tại đây, với dư địa khai thác còn rất lớn như vậy, nếu không có những bước đi nhanh và chính xác, nhiều cơ hội có thể bị bỏ lỡ đáng tiếc.

Đặc biệt, với thế mạnh của Việt Nam ở mảng sản phẩm nông thủy sản, tiềm năng được dự báo là rất lớn khi các mặt hàng nông nghiệp nhập khẩu chiếm tới 8,4% tỉ trọng tổng nhập khẩu của EU.

Đánh giá về tiềm năng và trợ lực để bước vào thị trường này, ông Nguyễn Đình Tùng - Chủ tịch Hội đồng quản trị - Tổng giám đốc Vina T&T, một trong những đơn vị có lô hàng được hưởng ưu đãi thuế đầu tiên sau khi EVFTA chính thức có hiệu lực, khẳng định: Hiệp định EVFTA mang lại những thuận lợi lớn cho ngành rau quả, tạo cơ hội để nhiều loại trái cây nhiệt đới của Việt Nam chiếm ưu thế tại thị trường EU.

Ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cũng cho rằng, hàng loạt mặt hàng nông sản như gạo, càphê, hồ tiêu, rau quả, hàng chế biến... có dư địa lớn tại EU.

Tuy nhiên, để trụ vững ở thị trường này, sản phẩm của Việt Nam phải tiếp tục được nâng cao chất lượng và mẫu mã, đặc biệt là vấn đề an toàn thực phẩm, dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn