MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một cơ sở chăn nuôi gà công nghiệp, khép kín ở Bình Phước. Ảnh: Dương Bình

Nông nghiệp công nghệ cao phát triển trở thành bệ đỡ cho kinh tế - xã hội Bình Phước

DƯƠNG BÌNH LDO | 12/12/2023 15:33

Những năm gần đây, kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Phước có nhiều chuyển biến tích cực. Đáng chú ý, trong bối cảnh khó khăn, nông nghiệp công nghệ cao của Bình Phước tiếp tục phát triển, trở thành bệ đỡ cho kinh tế của tỉnh.

Phát triển chăn nuôi quy mô lớn

Những năm gần đây, Bình Phước đã đưa máy móc, trang thiết bị hiện địa vào sản xuất sản xuất nông nghiệp. Từ đó giúp người nông dân Bình Phước ngày càng chủ động hơn, sáng tạo, hướng đến sản xuất hiện đại, bền vững.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, Bình Phước có nhiều lợi thế để phát triển chăn nuôi công nghiệp, quy mô lớn. Theo Cục Thống kê Bình Phước, năm 2020, tổng đàn heo trên địa bàn là 1,08 triệu con, tổng số con xuất chuồng là hơn 1,4 triệu con.

Đến năm 2022, tổng đàn heo ở Bình Phước đã lên tới 1,7 triệu con, tổng số xuất chuồng ước đạt gần 2,2 triệu con. Năm 2020, tổng đàn gia cầm ở Bình Phước là gần 7,6 triệu con, đến năm 2022 tăng lên gần 14 triệu con. Với những số liệu này, Bình Phước đã trở thành một trong những tỉnh có ngành chăn nuôi lớn ở Đông Nam Bộ.

Chăn nuôi khép kín. Ảnh: Dương Bình

Sự phát triển nhanh chóng của chăn nuôi Bình Phước còn nhờ động lực khi những năm gần đây, tỉnh đã thu hút được nhiều dự án đầu tư chăn nuôi quy mô lớn. Điển hình như Tổ hợp CPV Food của C.P. Việt Nam, vốn đầu tư 250 triệu USD, gồm 1 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, 5 trại gà giống bố mẹ, 1 nhà máy ấp trứng, 24 trại gà thịt và 1 nhà máy giết mổ, chế biến thịt gà. Công suất thiết kế của Tổ hợp lên đến 100 triệu con gà/năm, trong đó, ở giai đoạn 1 là 50 triệu con/năm.

Một cơ sở chăn nuôi gà công nghiệp, khép kín ở Bình Phước. Ảnh: Dương Bình

Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư khác cũng đến Bình Phước xây dựng chuồng trại để sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực chăn nuôi. Đến nay, Bình Phước đã tiếp nhận 278 dự án chăn nuôi với tổng vốn đầu tư khoảng 24 ngàn tỉ đồng.

Trồng trọt phát triển theo hướng thông minh

Bình Phước, vốn là “thủ phủ” của cây cao su và điều, chỉ sau vài năm, tỉnh đã nổi lên là địa phương có nhiều loại sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, gắn với các mô hình sản xuất, tiêu thụ theo phương thức nông nghiệp thông minh.

Nông nghiệp của Bình Phước đẩy mạnh mũi nhọn ứng dụng công nghệ mới, chuyển đổi số, thay đổi phương thức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm từ truyền thống đến nông nghiệp hiện đại, thông minh.

Tại xã Phú Văn, huyện biên giới Bù Gia Mập, những năm gần đây, Nông trại Thiên Nông được nhiều người biết đến bởi mô hình sản xuất thông minh.

Nông trại thông minh. Ảnh: Dương Bình

Nông trại Thiên Nông rộng 50 ha, trong đó có 30 ha cao su được trồng xung quanh có vai trò như vùng đệm hữu cơ, vùng lõi có 8 ha cây tiêu và đáng chú ý là 12ha bơ được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và AseanGAP.

Điểm mạnh của nông trại này là ứng dụng tự động hóa vào sản xuất để quản lý quy trình canh tác giúp giảm chi phí nhưng năng suất, chất lượng sản phẩm đồng nhất, an toàn. Điều đầu tiên, nông trại sử dụng điện năng lượng mặt trời áp mái để chủ động tưới tiêu trong vườn, lượng điện dư được bán lại cho nhà nước; Hệ thống camera giám sát toàn vườn.

Thương hiệu bơ ông Hoàng tại Bình Phước. Ảnh: Dương Bình

Chủ nông trại còn nghiên cứu app các thiết bị cảm biến đo độ ẩm, nhiệt độ, độ pH, ánh sáng. Trên cơ sở tự phân tích tình trạng sức khỏe cây trồng, app đưa ra những chỉ thị phù hợp để cung cấp lượng nước, lượng phân tương thích đến từng gốc cây. Sản phẩm trái bơ được gắn mã QR code (nhật ký số) đến từng cây. Chỉ cần đưa smartphone vào quét mã, mọi thông tin từ chăm bón, ngày giờ thu hoạch, phương tiện vận chuyển đến cửa hàng, siêu thị, tiêu chuẩn của sản phẩm… đều được minh bạch.

Ngoài nông trại trên, có hàng chục nông trại ở Bình Phước đã đưa khoa học công nghệ vào sản xuất. Sản phẩm làm ra được đưa lên sàn thương mại điện tử, giấy chứng nhận OCOP... Nhờ đó, hàng hóa kết nối tốt với các thị trường lớn ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước, chỉ trong vài năm gần đây, ngành nông nghiệp tỉnh đã hình thành nền tảng dữ liệu số nông nghiệp phục vụ cho công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, phát triển thương mại điện tử, dịch vụ nông nghiệp... Tỉnh đã hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật, phân bón, vận hành hệ thống VAHIS báo cáo trực tuyến cấp tỉnh về tình hình dịch bệnh; lập bản đồ dịch tễ (Quantum Gis)...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn