MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vải thiều Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản được người dân Nhật đón nhận. Ảnh: Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản

Nông nghiệp phát huy vai trò "bệ đỡ" của nền kinh tế sau đại dịch

Vũ Long LDO | 18/07/2020 19:47

Sự đảm bảo về nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu là cơ sở quan trọng để an sinh, an dân sau đại dịch. Nông nghiệp vẫn luôn là thế mạnh, là nền tảng trong phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam.

Trao đổi với PV Lao Động, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2020, vượt lên khó khăn do chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy do ảnh hưởng của dịch COVID-19, ngành nông nghiệp vẫn đạt được những kết quả ấn tượng: Vải thiều tươi lần đầu tiên xuất khẩu chính ngạch sang Nhật Bản, chôm chôm vào Đài Loan (Trung Quốc), dâu tây và bí ngô vào New Zealand; tôm và cá tra xuất khẩu vào Brazil,…

Trong 6 tháng qua, 9 nhà máy chế biến nông sản với tổng mức đầu tư trên 10.000 tỉ đồng đã chính thức đi vào hoạt động. Chỉ tính riêng rau quả, công suất chế biến của các nhà máy lên tới 1,5 triệu tấn, gấp 3 lần so với trước.

TS Trần Hồng Minh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý  Kinh tế Trung ương (CIEM), đại dịch toàn cầu COVID-19 đặt ra thêm thách thức và cả cơ hội cho khu vực nông nghiệp của Việt Nam. Trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu đã trầm trọng và phức tạp hơn, đại dịch COVID-19 kéo theo không ít khó khăn mới về sản xuất, nhập khẩu đầu vào, cũng như hợp tác, chia sẻ kiến thức, công nghệ đối với ngành nông nghiệp của Việt Nam.

Tuy nhiên, thành công trong ứng phó với đại dịch COVID-19 và tổ chức sản xuất lương thực đã tạo điều kiện cho Việt Nam củng cố vị thế trong xuất khẩu lương thực và hợp tác về đảm bảo an ninh lương thực ở tầm quốc tế. Nói như vậy để thấy ngay cả trong bối cảnh mới, thị trường đầu ra cho khu vực nông nghiệp của Việt Nam sẽ không chỉ bó hẹp ở trong nước.

Nông nghiệp cần chuyển biến mạnh mẽ hơn sau đại dịch

Cũng theo TS Trần Hồng Minh, đại dịch COVID-19 buộc nông nghiệp phải chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện hơn theo hướng phát triển bền vững.

“Tôi cho rằng tính bền vững phải được thể hiện ở hai khía cạnh. Khía cạnh đầu tiên là bền vững về môi trường – một yêu cầu quan trọng không chỉ vì bối cảnh biến đổi khí hậu mà còn nhằm tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự dwo (FTA) mới có lồng ghép các nội dung về thương mại và phát triển bền vững (như CPTPP, EVFTA). Khía cạnh thứ hai là bền vững trong tiếp cận người tiêu dùng” – TS Trần Hồng Minh nhấn mạnh.

Vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) tại siêu thị Singapore. Ảnh: Bộ Công Thương

Chất lượng sản phẩm nông nghiệp cần được coi trọng và đứng vững ngay từ thị trường trong nước, thay vì chỉ hướng tới những thị trường xuất khẩu. Trong quá trình này, tư duy phát triển nông nghiệp không nên chỉ bó hẹp vào tiết kiệm chi phí. Cần lưu ý, với việc đầu tư thêm để đáp ứng các tiêu chuẩn cao hơn, sản phẩm nông nghiệp có thể phục vụ được phân khúc thị trường khó tính hơn với mức giá cao hơn.

Với tư duy ấy, cách tiếp cận hệ thống mới đối với tái cơ cấu khu vực nông nghiệp, cách tiếp cận ấy cần phát huy hiệu quả hơn đầu tư, ứng dụng công nghệ cao và tính gắn kết trong chuỗi giá trị.

Theo đó, cần hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với khu vực nông nghiệp và các hoạt động liên quan (như dịch vụ nông nghiệp, hoạt động chế biến thực phẩm...) theo hướng hài hòa hóa với tiêu chuẩn thế giới;

Nâng cao kiến thức, năng suất cho người lao động trong khu vực nông nghiệp vẫn có ý nghĩa, song cần cách làm mới và hiệu quả hơn. Trong quá trình này, chủ động tận dụng dư địa từ hợp tác với nhà đầu tư nước ngoài – đặc biệt từ các nước phát triển – và chương Hợp tác và nâng cao năng lực trong các FTA lớn thế hệ mới, (như CPTPP EVFTA) có vai trò quyết định.

Chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Đình Cung (nguyên Viện  trưởng CIEM) cũng cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể tạo ra những chuỗi giá trị trong lĩnh vực nông nghiệp thông qua việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên cả 3 phương diện: Tái cấu trúc thị trường, tái cấu trúc sản phẩm và tái cấu trúc về tổ chức sản xuất nông nghiệp; trên cơ sở áp dụng khoa học công nghệ, áp dụng cách thức tổ chức sản xuất và lấy tiêu chuẩn phổ biến toàn cầu để áp dụng cho tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa nông sản của Việt Nam.

Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, 6 tháng đầu năm 2020, giá trị sản xuất toàn ngành tăng 1,18% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó, nông nghiệp tăng 0,78% (trồng trọt tăng 0,63%, chăn nuôi tăng 1,05%), lâm nghiệp tăng 2,16% và thủy sản tăng 2,21%.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn