MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khi làm ra nông sản, chuyện tiêu thụ, đầu ra luôn là bài toán khó với tỉnh miền núi Cao Bằng. Ảnh: Tân Văn

Nông sản Cao Bằng chật vật tìm đầu ra

TÂN VĂN LDO | 26/03/2024 15:13

Sở hữu diện tích lớn đất nông nghiệp và những cây trồng nổi tiếng như hạt dẻ, thạch đen... nhưng nông sản Cao Bằng nhiều năm qua vẫn chật vật tìm đầu ra.

Cao Bằng có khoảng 150.000ha đất có khả năng phát triển nông nghiệp, trong đó có nhiều loại cây trồng đặc hữu mang giá trị kinh tế cao.

Việc phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ trên địa bàn tỉnh có nhiều thuận lợi, do phần lớn diện tích đất canh tác chưa bị xâm lấn bởi các chất hoá học. Đây là điều kiện để nông sản Cao Bằng có được chất lượng vượt trội so với nhiều địa phương khác.

Mặt khác, tỉnh này có đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc dài nhất miền Bắc (trên 300km), sở hữu nhiều cặp cửa khẩu song phương, quốc tế... Do đó, địa phương có nhiều thuận lợi trong việc đưa hàng hóa tiếp cận thị trường tỉ dân (Trung Quốc).

Trong cuộc trao đổi với PV Báo Lao Động mới đây, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cao Bằng đã thẳng thắn thừa nhận những hạn chế trong việc đầu ra cho nông sản địa phương. Theo đó, Cao Bằng đã hình thành các sản phẩm hàng hóa đảm bảo chất lượng, được chứng nhận và có sức cạnh tranh trên thị trường.

Tính từ năm 2020 - 2023, tổng cộng toàn tỉnh có 140 sản phẩm OCOP chất lượng cao, sản phẩm thuộc nhóm du lịch sinh thái. Tuy nhiên, việc xuất khẩu nông sản tại địa phương này còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Tiểu thương Nông Văn Bắc (bán nông sản tại chợ Xanh, phường Hợp Giang, TP Cao Bằng) - chia sẻ: "Như hạt dẻ Trùng Khánh nổi tiếng bấy lâu nay nhưng diện tích trồng cây ít, cùng công nghệ bảo quản chưa có nên chỉ mấy tháng chính vụ người dân mới có thể mua hạt dẻ trồng tại địa phương. Thời gian sau hạt dẻ toàn là nhập từ Trung Quốc về bán, hàng Việt Nam không bảo quản lâu như thế được".

Để thấy công tác chế biến sâu các nhóm hàng hóa nông sản của Cao Bằng còn hạn chế. Kéo theo, việc đảm bảo các tiêu chuẩn về xuất khẩu đến thị trường các nước, đặc biệt là thị trường Trung Quốc cũng không đảm bảo.

Cùng với đó, một số ít hàng hóa có thể xuất khẩu như mía, thạch đen, dâu tằm lại hạn chế về số lượng, chưa đáp ứng được những đơn hàng lớn từ phía bạn. Một hạn chế lớn cũng được chỉ ra, đó là Cao Bằng chưa mời gọi, hấp dẫn được nhiều doanh nghiệp, chủ đầu tư phát triển nông nghiệp, hình thành các vùng sản phẩm hàng hóa lớn, tập trung.

Để khắc phục những khó khăn trên, đại diện Sở NNPTNT tỉnh Cao Bằng chỉ rõ những nhiệm vụ cần tập trung thực hiện. Theo đó, tỉnh Cao Bằng cần tiếp tục phát triển nông nghiệp của tỉnh theo hướng sản xuất hàng hoá chất lượng cao, sản lượng lớn, sản xuất tập trung hướng tới thị trường xuất khẩu.

Mời gọi, khuyến khích các chủ đầu tư mũi nhọn đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao như xây dựng trang trại chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa với quy mô 10.000 con; các dự án chăn nuôi lợn tập trung; các dự án/kế hoạch liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị của các doanh nghiệp, hợp tác xã... để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, hướng tới thị trường xuất khẩu các nước.

Thường xuyên tổ chức hội thảo, đàm thoại với người dân, doanh nghiệp để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và giúp đỡ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mà các doanh nghiệp gặp phải. Từ đó hình thành môi trường kinh doanh thuận lợi, giàu tính cạnh tranh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn