MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nông sản Đắk Nông sẵn sàng xuất ngoại

Phan Tuấn LDO | 30/12/2022 09:33

Nhờ năng động, sáng tạo nên nhiều nông dân, hợp tác xã ở trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã sản xuất được nhiều mặt hàng nông sản bảo đảm tiêu chuẩn quốc tế, sẵn sàng đáp ứng thị trường xuất ngoại

Hiện nay, các cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông đang hỗ trợ người dân, doanh nghiệp cấp mã số vùng trồng cho các loại cây trồng như: Sầu riêng, mắc ca, hồ tiêu, chanh dây...

Đủ điều kiện "ra biển lớn"

Hiện nay, trang trại Hoàng Văn Thuyết, ở thôn Nam Tiến, xã Ea Pô, huyện Cư Jút đã sản xuất được gần 20ha xoài, với sản lượng khoảng 700 tấn/năm.

Điều phấn khởi nhất là vựa xoài này không chỉ bảo đảm các tiêu chuẩn quốc tế mà còn được cơ quan chức năng cấp mã vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Australia.

"Việc đơn vị được cấp mã vùng trồng sẽ thuận lợi trong khâu tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị sản xuất" - chủ trang trại Hoàng Văn Thuyết cho biết. 

Tương tự, hiện nay, Hợp tác xã Nông nghiệp, thương mại, dịch vụ Tâm Phúc, ở huyện Tuy Đức đã được cấp 2 mã vùng trồng. Theo đó, mã vùng trồng thứ nhất là 2ha chanh leo với sản lượng 16.000 tấn/năm. Hiện nay, Hợp tác xã đang hoàn thiện mã đóng gói chanh leo để phục vụ cho thị trường xuất khẩu.

Bên cạnh đó, Hợp tác xã cũng đã được cấp mã vùng trồng thứ hai đối với cây sầu riêng có diện tích 100ha, sản lượng 3.000 tấn/năm. Hiện nay, Hợp tác xã đang xúc tiến thương mại, kết nối thị trường để đưa sầu riêng xâm nhập vào thị trường quốc tế.

Ở thành phố Gia Nghĩa, Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu Nghiệp Xuân cũng đã phát triển được hơn 30,5ha sầu riêng, với sản lượng 600 tấn/năm. Hiện nay, 30ha sầu riêng của Công ty đã đủ điều kiện để được cấp mã vùng trồng, bảo đảm yêu cầu xuất khẩu sang các thị trường như Trung Quốc, châu Âu, Mỹ...

Theo Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu Nghiệp Xuân, để có được kết quả này, hơn 5 năm qua, Công ty đặc biệt chú trọng đến phương thức sản xuất, bảo đảm sản phẩm đạt các tiêu chí của thị trường xuất khẩu.

Cụ thể, công ty đã trồng sầu riêng theo hướng hữu cơ, đã đạt tiêu chuẩn VietGAP. Qúa trình sản xuất, công ty ghi chép nhật ký chăm sóc cây trồng, gắn mã truy xuất nguồn gốc, đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm... 

"Công ty đã đáp ứng các yêu cầu của đơn vị nhập khẩu. Công ty hi vọng sẽ sớm đưa sầu riêng Đắk Nông xuất khẩu sang các thị trường khó tính để nâng cao thương hiệu  và giá trị sản phẩm" - bà Lầu Kiều Vân, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu Nghiệp Xuân cho hay.

Nông dân Đắk Nông đang chú trọng sản xuất các loại nông sản theo tiêu chuẩn sạch, bảo đảm tiêu chí xuất khẩu. Ảnh: Phan Tuấn

Hỗ trợ người dân cấp mã số vùng trồng

Theo Chi cục Phát triển nông nghiệp tỉnh Đắk Nông, hiện đơn vị đã hoàn thiện và đang gửi hồ sơ cho Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thẩm định 24 hồ sơ cấp mã vùng trồng, 4 cơ sở đóng gói của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, còn có 31 hồ sơ đăng ký mã vùng trồng khác đang được Chi cục Phát triển nông nghiệp tỉnh Đắk Nông tiến hành kiểm tra, đánh giá.

Đặc biệt, hiện nay, Chi cục Phát triển nông nghiệp tỉnh Đắk Nông đang tích cực hướng dẫn người dân sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP... Từ đó, từng bước hình thành các chuỗi liên kết để có số lượng sản phẩm lớn, chất lượng cao phục vụ xuất khẩu.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đơn vị đang tiến hành điều tra, khảo sát, đánh giá các vùng trồng trọt tập trung, cơ sở đóng gói sản phẩm trái cây tại các huyện, thành phố.

Mục tiêu của ngành Nông nghiệp là thiết lập các vùng trồng, cơ sở đóng gói sản phẩm có chất lượng tốt. Từ đó, ngành Nông nghiệp hỗ trợ các vùng sản xuất, cơ sở đóng gói triển khai các bước để được cấp mã số.

Ngành Nông nghiệp sẽ quy hoạch, hỗ trợ cấp mã số vùng trồng tập trung cho từ 4 - 6 loại cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế cao, tiềm năng xuất khẩu như: sầu riêng, bơ, xoài, mắc ca, điều…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn