MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khảo sát ruộng lúa trên cánh đồng mẫu ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Nông sản Đồng bằng sông Cửu Long: Không thể cứ mãi giải cứu!

THANH NGUYÊN - XUÂN TRƯỜNG LDO | 30/07/2020 09:24
Không chỉ đến khi từng đoàn xe chở nông sản bị ách tắc tại cửa khẩu xuất sang Trung Quốc do dịch COVID-19, mà từ thế kỷ trước tìm đầu ra cho sản vật của Đồng bằng sông Cửu Long - vùng đất được mệnh danh là trung tâm nông nghiệp số 1 của quốc gia đã phát sinh nhiều vấn đề nóng… Sự ách tắc này chỉ là giọt nước tràn ly, đẩy công cuộc mưu sinh của nơi đồng đất này cứ mãi  luẩn quẩn trong ngõ hẹp: “Được mùa mất giá”, “được giá mất mùa”,  “trồng lại chặt”, rồi “giải cứu”… Hướng gì để nền nông nghiệp bền vững? Tất cả vẫn còn phải treo lơ lửng, như một câu hỏi bỏ ngỏ khi mà đầu ra nông sản cứ mãi loay hoay.

Loay hoay với bài Toán liên kết

Làm sao để hỗ trợ người nông dân tìm ra được lối thoát căn cơ, đảm bảo không phải rơi vào thảm cảnh đến mùa thu hoạch nông sản không có nơi tiêu thụ, lúa gạo, trái cây bị ế thừa, dội chợ... Giới am hiểu cho rằng, đối xử với sản vật hiện có thị trường ở 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, đóng góp  kim ngạch xuất khẩu của quốc gia hằng năm vượt ngưỡng 40 tỉ USD như vậy là không công bằng.

“Giải cứu” chỉ là giải pháp nhất thời, những giải pháp thiết thực và hiệu quả chính là định ra chính sách, cơ chế giải mã chuỗi giá trị nông sản. Trong đó, hoạch định các giải pháp liên kết phù hợp sẽ là chìa khoá. Đã có chủ trương liên kết “3 nhà”, rồi “4 nhà” và đến “6 nhà”. Thế nhưng việc vận dụng chủ trương liên kết vào thực tế sản xuất và tiêu thụ nông sản hình như vẫn còn không ít bất cập. Bao nhiêu năm rồi lúa gạo và nông sản của đồng đất này vẫn chưa tìm được thế ổn định.

Thời hạt lúa gắn với chành và thương cảng

Đầu thế kỷ trước, nơi đây mối liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản ở vùng đất nổi tiếng với nhóm lúa hạt nhỏ, dài, gọi chung gạo Bãi Xàu (Sóc Trăng), từng một thời lừng danh nơi thị trường Hương Cảng (Hồng Kông, Trung Quốc). Trong hành trình đến với thị trường Hương Cảng và thế giới, hạt gạo Bãi Xàu luôn gắn liền với một tổ chức lúa gạo đầu tiên của vùng đất này là Hiệp hội Mễ cốc Sóc Trăng và Thương cảng Bãi Xàu - một bến cảng thuộc vào loại sầm uất thời bấy giờ.

Ông Trần Đại Hưng, một thành viên của Hiệp hội Mễ cốc Sóc Trăng, cho biết: Số nhà máy xay xát lúc này không nhiều, nhưng số lượng chành lúa khá lớn, tập trung ở vùng lúa Phú Lộc, Châu Hưng, Ngã Năm… Đến vụ thu hoạch, nếu nông dân bán, chủ chành mua vào dự trữ, còn như nông dân không bán ngay có thể gửi lúa tại chành với tỉ lệ hao hụt là 3%, (đó là chi phí duy nhất) và khi nông dân cần tiền để tiêu xài sẽ được chủ chành cho ứng trước một khoản nhất định.

Ông Hưng nhớ lại: “Thời chiến tranh, gởi lúa ở chành là an toàn nhất. Các chủ chành bảo vệ lúa cho nông dân là chính, nên khi có lúa, nông dân đều bán lại cho chành, theo kiểu “có qua, có lại””.  Trước đây, mỗi lần giao gạo lên Sài Gòn, chủ chành chỉ cần gửi thư tay theo xe cho các chủ vựa. Khi nhận hàng xong, các chủ vựa sẽ gởi tiền về qua ngân hàng”.

Trong mối quan hệ này, chủ chành có thể thế chấp nhà xưởng, sản phẩm để vay lại 80% giá trị làm vốn lưu động. Sau khi mở tài khoản ở ngân hàng, có thể tự phát hành chi phiếu (sét) để ký nợ mua lúa với nông dân theo thời gian thỏa thuận. Ở đây, một đồng vốn, người kinh doanh có thể quay được 3 đồng, vừa giúp nông dân có vốn sản xuất, vừa đảm bảo được nguồn lúa nguyên liệu phục vụ cho xay xát, nên việc kinh doanh rất thuận tiện”.

Câu chuyện của ông Hưng cho thấy, ngay ở thập niên 60, một phương thức liên kết sản xuất, kinh doanh lúa gạo giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (liên kết ngang) và doanh nghiệp với nông dân, Chính phủ… (liên kết dọc) đã được hình thành.

Lúa gạo, cây trái của miệt Hậu Giang từ đầu thế kỷ 20, do tất cả đều đã định trước qua quy trình liên kết ngang và dọc nên không lâm vào thảm trạng đến mùa thu hoạch rộ, lúa gạo và cây trái không bị ách tắc ở đầu ra, hay giá cả bị tụt xuống thảm hại. Lúc này vựa trái cây và chành lúa mở cửa tiếp nhận, lưu giữ và bảo quản lúa gạo, hoa quả của nông dân đến cuối vụ, giá cả cất lên, khi này, thì chành sẽ đứng ra thu mua lại. Nếu nông dân bán cho chành thì chành sẽ không tính phí lưu kho và bảo quản, nếu lượng hàng hóa này bán cho nơi khác thì nông dân phải trả phí lưu kho và bảo quản cho chành…

Có được lượng lúa gạo, hoa quả lớn trong tay, chủ chành liên kết với thương cảng tìm thị trường tiêu thụ ở Hồng Kông, Malaysia (đối với mặt hàng trái cây cũng dựa theo phương thức như vậy. Câu chuyện liên kết này mặc dù không ràng buộc  bằng bất cứ văn tự nào nhưng kéo dài hàng thế kỷ như một quy ước ngầm giữa hai phía gắn chặt nhau vì lợi ích. Lâu ngày nghiễm nhiên trở thành sự thoả thuận cho cuộc giao dịch tay đôi: Nhà nông và nhà buôn cùng liên kết đưa hàng hoá do nông dân làm ra đến tận thương cảng …

Sau này, cuộc giao thương mang tính lịch sử ấy khơi gợi về một sự liên kết trong tổ chức sản xuất - tiêu thụ nông sản thông qua mô hình liên kết sau khi nền kinh tế chuyển sang thị trường. Ban đầu liên kết ba nhà: Nhà nông, nhà buôn, nhà nước, sau bổ sung thêm nhà khoa học, và sau đó  thêm cả nhà băng trở thành liên kết 5 nhà.

Lơ lửng mô hình liên kết

Với quyết tâm tạo sự gắn kết giữa sản vật do nông dân làm ra với thị trường, Chính phủ đã có nhiều chủ trương lớn nhằm tháo gỡ vướng mắc, khơi dòng động lực, hỗ trợ thiết thực và hiệu quả cho các họat động liên kết. Tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa tốc độ đổi mới và phát triển trên cả ba mặt nông nghiệp, nông dân và nông thôn, nhanh chóng bứt phá thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn “được mùa, mất giá” đang tác động xấu đến việc xây dựng một nền nông nghiệp bền vững ở cả hai mặt sản xuất và tiêu thụ.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng nhằm mục tiêu tạo điều kiện tiêu thụ nông sản hàng hóa cho nông dân... Liên kết 4 nhà “Nhà nông - Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà doanh nghiệp” từ lâu được xem là xu thế phát triển tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại và bền vững. Tuy nhiên, trên thực tế, sự phối hợp giữa “4 nhà” vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả không phải là do “thiếu nhà” trong liên kết. Thực tế vừa qua cho thấy mắc mớ chính là sự gắn kết giữa lợi ích và trách nhiệm.

Đồng Tháp được xem là địa phương tổ chức chặt chẽ nhất trong liên kết 4 nhà, nhưng cũng có nơi vẫn bị “vỡ trận”.

Anh Lại Trường Vũ, nông dân ở thị trấn Mỹ Thọ, nhưng có 2,7 hécta trồng lúa ở xã Ba Sao huyện Cao Lãnh  cho biết: Việc doanh nghiệp liên kết với nông dân quan trọng nhất là phải giữ chữ tín. Nhưng việc này cả hai phía đều không duy trì tốt. Hiện nay, việc doanh nghiệp liên kết với nông dân chủ yếu là bán phân bón, thuốc trừ sâu… Khi đến ngày thu hoạch thì giao cho “cò” lúa đến mua, sang tay nhau ép giá  nông dân. Nông dân lỗ, hợp đồng liên kết bị vỡ. Đó là do doanh nghiệp.

Có doanh nghiệp khi ban đầu đưa ra các điều kiện rất gắt gao như: Diện tích canh tác phải rộng, đảm bảo sản lượng lớn, sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón trong danh mục cho phép của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thuận tiện đường giao thông... Nhưng khi thực hiện hợp đồng thì luôn giữ chữ tín, thậm chí chia sẻ gánh vác tiếp cho nông dân khi mùa vụ gặp sự cố. Có năm, mưa trái mùa, lúa ngã đổ hạt, lên mọng, công ty vẫn mua vào cho dân theo hợp đồng ban đầu.

Từ việc giữ vững uy tín, mà mùa sau, mùa sau nữa hợp đồng liên kết với nông dân không chỉ được duy trì mà còn mở rộng, ban đầu chỉ có liên kết với nông dân của xã Gáo Giồng, rồi mở rộng ra xã Ba Sao, Phương Thịnh…  Liên kết duy trì vui vẻ với nhau có nơi đã hơn 10 năm rồi, diện tích liên kết chiếm gần 80% diện tích trồng lúa trên địa bàn. Về phía nông dân để thoả mãn yêu cầu tạo vùng sản xuất rộng lớn đã biết liên kết với nhau thành nhóm theo kiểu nội bộ gia đình, thân hữu để có diện tích canh tác lớn có đủ năng lực ký kết hợp đồng với doanh nghiệp nhưng hình thức hoạt động như một tổ hợp tác.

Nông dân Thành Vũ đứng đại diện một nhóm gia đình gồm 15 hộ với 15 hécta trồng lúa. Nhóm này đã liên kết với nhiều doanh nghiệp đến Ba Sao, từng nếm trải những bất thành trong mối quan hệ giữa nông dân và doanh nghiệp. Kinh nghiệm là sự cộng hưởng chữ tín từ hai phía cùng chia sẻ  lợi ích. Chữ tín phía nông dân chính là giữ nghiêm việc thực hiện các điều khoản trong hợp đồng với doanh nghiệp và duy trì chặt chẽ quy ước bất thành văn trong nhóm và đội liên kết của mình.

Sự tường tận trong thực hiện liên kết 4 nhà của Vũ khiến tôi phải chuyển vế câu chuyện:

- Còn mốì quan hệ của vai trò nhà khoa học và nhà băng thì thế nào?

- Rất mờ nhạt. Nông dân luôn thiếu vốn nhưng đa phần chỉ tiếp cận được vốn vay qua tài sản thế chấp. Còn hầu như các khoản vay ưu đãi đều không tiếp cận được. 

Trên đường về huyện Thốt Nốt (Cần Thơ), chúng tôi tìm gặp anh Nguyễn Văn Hải, người đại diện công ty Hiếu Nhân thiếp lập mối quan hệ với nông dân của huyện Cao Lãnh để xác tín những thông tin nhận được từ nông dân Lại Trường Vũ. Anh Hải hồ hởi cho biết: “Cách làm ở 3 xã của huyện Hồng Ngự được tôi tiếp tục vận dụng ở hai tỉnh An Giang, Long An và đều phát huy tốt tác dụng. Mối quan hệ này duy trì liên tục hàng chục năm liền. Chỉ tạo được sự bền vững khi cả hai phía giữ được chữ tín”.

Ông Hồ Ngọc Lợi, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Đồng Tháp chia sẻ:  Khi mối quan hệ giữa doanh nghiệp với với nông dân tạo được sự hài hoà lợi ích thì liên kết sẽ bền vững. Tôi từng đến An Giang và thấy nơi đây làm liên kết 4 nhà cũng rất tốt. Mà chủ yếu là nhà doanh nghiệp với nông dân. Việc liên kết này khi không thành không thể đổ thừa tại ai, mà phải ngồi với nhau gỡ những vướng mắc. Ở An Giang, nông dân cũng liên kết theo thân tộc, gia đình và cử người đại diện đứng ra liên kết với doanh nghiệp cũng khá thành công. Chữ tín ở đây phải được xuất phát từ sự hài hoà lợi ích và cả hai phía cùng hướng đến duy trì quan hệ lâu dài.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn