MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xuất khẩu gạo dự báo gặp khó trong năm 2019. (Ảnh minh họa)

Nông sản Việt đối mặt hàng loạt khó khăn trong năm 2019

Khánh Vũ LDO | 05/03/2019 19:06
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định: Năm 2019, ngành nông nghiệp sẽ đương đầu với nhiều thách thức trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. 

Nông sản Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt

Thông tin tại Diễn đàn “Thúc đẩy sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản Việt Nam năm 2019” do Bộ NNPTNT chủ trì, phối hợp cùng Bộ Công thương tổ chức ngày 5.3, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định: Năm 2019, ngành nông nghiệp sẽ đương đầu với nhiều thách thức trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. 

Năm 2019 và giai đoạn tới đây, để hàng nông sản Việt Nam tiếp tục tham gia sâu hơn chuỗi nông sản giá trị toàn cầu sẽ là thách thức rất lớn.

Ngành nông nghiệp tiếp tục tổ chức lại nền sản xuất dựa trên hộ nhỏ lẻ với trên 8,6 triệu hộ thành một nền nông nghiệp tập trung hướng đến hàng hóa có quản trị. Trong khi đó, nông nghiệp Việt Nam chủ yếu vẫn sản xuất nhỏ, phân tán nên chưa đáp ứng được yêu cầu về sản xuất hàng hóa quy mô lớn và tiêu chuẩn cao từ thị trường quốc tế.

Xuất khẩu càphê dự báo gặp nhiều khó khăn do giá thành cà phê trên thế giới giảm. (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, thách thức, nguy cơ còn đến từ tác động của biến đổi khí hậu, môi trường, dich bệnh trên cây trồng, vật nuôi ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất trong nước và tình hình cung cầu nông sản. 

Thị trường đầu ra cho nông sản gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của tăng trưởng kinh tế thế giới 2019 dự báo giảm và các nước trên thế giới đều quay lại tập trung đầu tư cho phát triển nông nghiệp. Các mặt hàng nông sản Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt trong xuất khẩu (XK).

Trong khi đó, các nước nhập khẩu nông sản lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… đều gia tăng bảo hộ hàng hóa nông sản thông qua các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, yêu cầu truy xuất nguồn gốc.

Thay đổi phương thức sản xuất, tiếp cận thị trường

Theo đánh giá của ông Tô Ngọc Sơn – Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương), hiện nay, việc các thị trường nhập khẩu siết chặt yêu cầu về chất lượng, kiểm dịch thực vật đòi hỏi ngành nông nghiệp phải thay đổi từ phương thức sản xuất, thói quen giao dịch đến cách tiếp cận thị trường.  

Muốn xuất khẩu bền vững các mặt hàng nông, thủy sản, Bộ NNPTNT, chính quyền địa phương và các DN cần tổ chức lại sản xuất các mặt hàng nông, thủy sản có trọng tâm, trọng điểm, có quy mô và theo hướng nâng cao chất lượng; đồng thời tập trung đẩy nhanh công tác mở cửa thị trường đối với các mặt hàng có tiềm năng XK theo hướng xác định rõ mặt hàng ưu tiên, thị trường ưu tiên.

 

Do đó, các doanh nghiệp (DN) cần thay đổi tư duy tiếp cận thị trường, thay đổi phương thức giao dịch từ tiểu ngạch sang thương mại chính quy, đặc biệt là đối với thị trường Trung Quốc, bởi trong tương lai, XK chính ngạch sẽ thay thế xuất khẩu tiểu ngạch đối với nông sản sang quốc gia này.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT Cty Cổ phần Nafoods, cho biết: Hiện, DN vẫn chưa xuất khẩu được vào thị trường Trung Quốc theo đường chính ngạch mà vẫn phải XK qua đường tiểu ngạch và XK qua đối tác Thái Lan. “Tôi kiến nghị, phải có giải pháp, thủ tục để cho trái chanh leo nói riêng và nhiều loại trái cây khác có thể nhanh chóng được XK chính ngạch sang thị trường Trung Quốc” - ông Hùng nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn