MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lô sầu riêng đầu tiên của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch qua Trung Quốc vào ngày 19.9, tại cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn). Ảnh: Trần Tuấn.

Nông sản Việt ngày càng tạo niềm tin với người dùng Trung Quốc

Trần Tuấn LDO | 17/11/2022 16:48

Sau 1 năm thực hiện Lệnh 248, 249 về an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc, theo đánh giá, nông sản Việt Nam xuất khẩu ngày càng tạo niềm tin với người dùng và doanh nghiệp tại Trung Quốc.

Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính

Tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, những ngày cuối tháng 11.2022, mỗi ngày đều đặn có hàng trăm xe container hàng hoá được xuất khẩu sang Trung Quốc. Trong đó, hầu hết là xe hàng nông sản, hoa quả như mít, chuối, thanh long, sầu riêng… đang vào vụ.

Tính đến nay, đã gần tròn 1 năm Trung Quốc áp dụng hệ thống khung pháp lý với quy định nghiêm ngặt gồm: Biện pháp quản lý thực phẩm xuất nhập khẩu (Lệnh 249) và Quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu thực phẩm vào Trung Quốc (Lệnh 248).

Chiều 17.11, trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Vy Công Tường, Phó Cục trưởng Hải quan Lạng Sơn đánh giá, hai Lệnh 248 và 249 đã tác động trực tiếp đến việc xuất khẩu nông sản, thuỷ sản của Việt Nam và thị trường Trung Quốc.

Ngày 16.11, có gần 500 container, chủ yếu là nông sản và hoa quả được xuất khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Trần Tuấn.

“Bên cạnh các doanh nghiệp, hợp tác xã đã hiểu và thực hiện đầy đủ theo các quy định tại 2 lệnh này, vẫn có một số ít doanh nghiệp, hợp tác xã chưa nắm được thông tin xung quanh 2 lệnh này khiến nông sản bị từ chối nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc trong thời gian qua”, Phó Cục trưởng Hải quan Lạng Sơn cho biết.

“Các doanh nghiệp xuất khẩu cần chú trọng bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo Lệnh 248 và 249 để giữ uy tín thương hiệu nông sản Việt Nam”, ông Vy Công Tường nói và cho biết thêm, doanh nghiệp và nông dân Việt Nam cần loại bỏ suy nghĩ Trung Quốc là thị trường dễ tính.

 Ông Vy Công Tường trao đổi với phóng viên Lao Động. Ảnh: Trần Tuấn.

Nông sản Việt ngày càng tạo niềm tin với người dùng Trung Quốc

Cùng trao đổi với phóng viên, ông Liu Nan Cai (Đại diện Công ty Logistics Cương Chính) có trụ sở tại Khu tự trị Quảng Tây (Trung Quốc) đánh giá, sau gần 1 năm thực hiện Lệnh 248, 249 đã giúp nông sản Việt Nam nhập vào Trung Quốc với quy chuẩn tốt hơn, từ các khâu quy hoạch, đóng gói, truy xuất mã số vùng trồng. Mặt khác, khi doanh nghiệp khi làm thủ tục xuất khẩu cũng được xử lý nhanh hơn, tiết kiệm thời gian thông quan.

Ông Liu phân tích, trước kia, quy trình đóng gói của doanh nghiệp Việt còn qua loa. Sau khi Lệnh 248, 249 được áp dụng có thể thấy rõ đã chỉn chu hơn. Khi có thống nhất từ vùng trồng, đóng gói, xuất khẩu thì chất lượng nông sản xuất khẩu vào Trung Quốc đã được nâng cao hơn. Lệnh 248, 249 giúp doanh nghiệp Việt Nam nâng cao chính mình.

“Người tiêu dùng Trung Quốc đang ngày càng tin tưởng vào nông sản Việt Nam, cụ thể là nông sản xuất chính ngạch”, đại diện Công ty Logicstic Cương Chính nói thêm.

Cán bộ hải quan và Kiểm dịch thực vật kiểm tra lô hàng sầu riêng đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu qua Trung Quốc vào ngày 19.9 vừa qua tại cửa khẩu Hữu Nghị, Lạng Sơn. Ảnh: Trần Tuấn.

Đồng quan điểm, ông Zhao Zi Qiang - Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH kỹ thuật nông nghiệp sinh thái Trung Quan, có trụ sở tại Bắc Kinh, Trung Quốc, cho biết: Thực ra, lệnh 248, 249 được Tổng cục Hải quan Trung Quốc căn cứ vào thông lệ quốc tế. Lệnh này không chỉ áp dụng ở nông sản Việt Nam mà với toàn bộ nông sản thế giới xuất khẩu sang Trung Quốc.

“Hoa quả Đông Nam Á rất được ưa chuộng tại Trung Quốc, vì vậy, chất lượng phải đảm bảo cho người tiêu dùng. Sầu riêng Thái Lan đã tham khảo các quy chuẩn quốc tế, ngay từ khâu trồng trọt, làm lạnh, đóng gói thì họ đầu tư rất kỹ lưỡng.

Nói về ưu điểm, nông sản Việt Nam có vị trí gần Trung Quốc nhất nên doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng ưu thế này, phải đảm bảo quy trình làm lạnh từ đường bộ, đường biển cho tới đường hàng không. Vấn đề truy xuất vùng trồng, theo tôi phải chú ý 3 điểm. Về ngắn hạn, phải cải thiện khâu đóng gói, làm lạnh. Về trung hạn, cần làm tốt khâu làm tốt chất lượng để làm thương hiệu. Về dài hạn, cần chú trọng đến thổ nhưỡng”, ông Zhao nói thêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn