MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều hoạt động kinh doanh có thể nộp thuế bằng ngoại tệ (ảnh minh hoạ). Ảnh: Hải Nguyễn

Nộp thuế bằng ngoại tệ: “Rộng cửa” thu thuế thương mại điện tử

Anh huy LDO | 29/03/2021 10:09
Hiện, chưa có quy định các trường hợp được khai thuế, nộp thuế bằng ngoại tệ, mà mới có quy định tại một số thông tư hướng dẫn đặc thù. Tới đây, hoạt động kinh doanh thương mại điện tử; hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí; hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu... có thể khai thuế, nộp thuế bằng ngoại tệ. Các chuyên gia cho rằng, quy định này hứa hẹn tạo thuận lợi cho việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của người nộp thuế.

Tạo thống nhất và chặt chẽ trong quản lý thuế

Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 giao Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định đồng tiền khai thuế, nộp thuế bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi quy định và tỉ giá giao dịch thực tế quy định. Trên cơ sở nội dung Luật Quản lý thuế, Bộ Tài chính mới đây dự thảo thông tư hướng dẫn về đồng tiền khai thuế, nộp thuế bằng ngoại tệ và tỉ giá quy đổi.

Tại dự thảo thông tư, Bộ Tài chính nêu khá rõ về vấn đề đồng tiền khai thuế, nộp thuế bằng ngoại tệ. Cụ thể, đồng tiền khai thuế và nộp thuế đối với hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí là ngoại tệ tự do chuyển đổi; phụ thu đối với phần dầu lãi được chia khi giá dầu thô biến động tăng; tiền lãi dầu, khí nước chủ nhà được chia; tiền hoa hồng dầu, khí; tiền thu về đọc và sử dụng tài liệu dầu, khí; thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập từ chuyển nhượng quyền lợi tham gia hợp đồng dầu khí...

Đồng tiền khai và nộp phí, lệ phí và các khoản thu khác do các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thực hiện thu là ngoại tệ tự do chuyển đổi. Đồng tiền khai và nộp phí, lệ phí đối với các cơ quan, tổ chức được phép thu phí, lệ phí bằng ngoại tệ là ngoại tệ tự do chuyển đổi. Đồng tiền khai thuế và nộp thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số của nhà cung cấp ở nước ngoài theo quy định này là ngoại tệ tự do chuyển đổi.

Đồng thời, Bộ Tài chính đã cho biết, theo quy định hiện nay về chế độ thu phí, lệ phí, có một số khoản phí, lệ phí được thu bằng ngoại tệ quy định tại các Thông tư 138/2016/TT-BTC, Thông tư 219/2016/TT-BTC, Thông tư 264/2016/TT-BTC. Tuy nhiên, đồng tiền khai thuế, nộp thuế là đồng Việt Nam dẫn đến sự không thống nhất giữa đồng tiền xác định mức thu phí, lệ phí với đồng tiền xác định nghĩa vụ nộp phí, lệ phí vào ngân sách nhà nước; các tổ chức, cơ quan thu phí, lệ phí phải chuyển ngoại tệ ra đồng Việt Nam để khai, nộp vào ngân sách nhà nước. Để đơn giản thủ tục cho các cơ quan, tổ chức được phép thu phí, lệ phí bằng ngoại tệ, dự thảo đề xuất bổ sung quy định các loại phí này được khai, nộp bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi…

Trong dự thảo thông tư vừa đưa ra lấy ý kiến, Bộ Tài chính khẳng định rằng, những điểm mới không phát sinh thêm thủ tục hành chính cho người nộp thuế; công tác quản lý thuế luôn được đảm bảo chặt chẽ, thống nhất.

Cơ hội tăng thu ngân sách nhà nước

Trao đổi với Báo Lao Động, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh - Học viện Tài chính cho rằng, việc có một văn bản hướng dẫn quản lý thuế đầy đủ là bước tiến quan trọng trong công tác quản lý thuế. Tuy nhiên, theo ông Thịnh, các điều khoản hướng dẫn cần phải bảo đảm cụ thể, minh bạch, cần có sự chuẩn bị đầy đủ, bền vững, tránh tình trạng hướng dẫn tản mát, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong thực hiện.

Cũng theo vị này, hiện việc thất thoát thuế từ hoạt động thương mại điện tử là rất lớn nên việc quy định cụ thể về quản lý thuế đối với thương mại điện tử và cho phép đối tượng này được nộp thuế bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi sẽ góp phần tăng thu ngân sách nhà nước từ hoạt động thương mại xuyên biên giới. Nhưng điều đó không có nghĩa là sẽ quản lý chặt chẽ được hoạt động này.

Trong khi đó, đại diện của Công ty Tư vấn Ernst & Young Việt Nam cho rằng dự thảo Thông tư mới đưa ra hướng dẫn áp dụng tỉ giá quy đổi cho 1 trường hợp nhất định (nộp thuế bằng ngoại tệ tư do chuyển đổi) mà chưa có hướng dẫn cụ thể về tỉ giá tính thuế trong các trường hợp khác (như quy định tại Thông tư 26/2015/TT-BTC trước đây).

Theo vị đại diện này, tỉ giá giao dịch thực tế để hạch toán doanh thu là tỉ giá mua vào của ngân hàng thương mại nơi người nộp thuế mở tài khoản. Và, tỉ giá giao dịch thực tế để hạch toán chi phí là tỉ giá bán ra của ngân hàng thương mại nơi người nộp thuế mở tài khoản tại thời điểm phát sinh giao dịch thanh toán ngoại tệ. Ngoài ra, đại diện của Ernst & Young nhấn mạnh dự thảo thông tư mới quy định chưa rõ ràng đối với tỉ giá để kê khai thuế nhà thầu. Đây là vấn đề vẫn đang gây tranh cãi và hiện đang có nhiều công văn hướng dẫn khác nhau, dẫn đến nhiều doanh nghiệp khó khăn khi muốn xác định tỉ giá cần áp dụng cho trường hợp của mình.

“Đối với thuế nhà thầu nước ngoài, đây là nghĩa vụ của nhà thầu nước ngoài, bên Việt Nam chỉ là người khấu trừ và nộp thay. Theo đó, cơ sở tính thuế vẫn là doanh thu của nhà thầu theo từng lần thanh toán. Vì vậy, cần áp dụng đúng nguyên tắc tỉ giá mua của ngân hàng thương mại. Trường hợp nhà thầu không mở tài khoản ngân hàng tại Việt Nam thì vận dụng tài khoản của bên Việt Nam là đơn vị kê khai và nộp thuế thay cho nhà thầu nước ngoài” - vị đại diện này đề xuất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn