MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đơn vị kiểm toán nhấn mạnh về khả năng hoạt động liên tục của Novaland. Ảnh: NVL

Novaland: "Tiền tươi" giảm nửa, hàng tồn cao kỷ lục 135.000 tỉ đồng

Đức Mạnh LDO | 19/04/2023 17:16

Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 của Novaland cho thấy tiền mặt giảm hơn một nửa và hàng tồn kho đạt mức cao kỷ lục.

CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, mã chứng khoán NVL) vừa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 với nhiều điểm đáng chú ý.

Mặc dù không đưa ra ý kiến loại trừ nhưng Công ty kiểm toán PWC lưu ý về ảnh hưởng đáng kể của thị trường bất động sản và thanh khoản trái phiếu doanh nghiệp đến tình hình kinh doanh của tập đoàn. Đồng thời, Novaland đã vi phạm một số cam kết đối với hợp đồng vay trái phiếu. Do đó tồn tại yếu tố chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp. 

Tiền tươi "bốc hơi" chỉ còn một nửa

Về kết quả kinh doanh, Novaland ghi nhận tổng doanh thu hợp nhất (gồm doanh thu từ bán hàng và thu phí cung cấp dịch vụ) gần 11.151 tỉ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2021, chỉ đạt hơn 30% mục tiêu đề ra. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất 2.182 tỉ đồng, giảm 36,85% so với cùng kỳ năm 2021, hoàn thành hơn 33% mục tiêu đề ra. So với báo cáo tự lập, doanh thu không thay đổi nhiều nhưng lợi nhuận sau thuế giảm sâu tới 111 tỉ đồng.

 Novaland đang cạn tiền mặt. Ảnh: Novaland

Tại ngày 31.12.2022, tổng tài sản NVL ghi nhận đạt 257.735 tỉ đồng, tăng 27% so với đầu kỳ. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu lại tương đối mỏng khi chỉ có hơn 44.817 tỉ đồng. Các khoản phải thu ngắn hạn tăng gấp đôi lên 52.345 tỉ đồng.

Điểm nhấn là tiền và các khoản tương đương tiền chỉ còn hơn 8.600 tỉ đồng, "bốc hơi" một nửa chỉ sau một năm. Khoản "tiền tươi" này hầu như được dùng làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay, tài trợ vốn... Theo thuyết minh, tiền mặt chỉ còn gần 2,8 tỉ đồng. Tiền bị hạn chế sử dụng bởi ngân hàng cho vay theo mục đích sử dụng vốn cho từng dự án lên tới 5.537 tỉ đồng.

Với hàng tồn kho, con số ghi nhận lên tới 134.957 tỉ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ, chủ yếu đến từ bất động sản để bán đang xây dựng. Như vậy, lượng hàng tồn kho của Novaland dẫn đầu danh sách các doanh nghiệp bất động sản niêm yết tại Việt Nam.

Áp lực nợ ngày càng phình to

Bên kia bản cân đối kế toán, nợ phải trả của NVL tăng 32% so với cùng kỳ lên hơn 212.917 tỉ đồng, chiếm 83% tổng tài sản. Tổng vay nợ ở mức 64.868 tỉ đồng, không thay đổi đáng kể so với trước kiểm toán.

  Nợ vay ngắn hạn của Novaland tăng chóng mặt trong bối cảnh bán hàng chậm dần và phải tăng tài trợ. Ảnh: Novaland

Vay ngắn hạn ngày càng phình to khi mở rộng hơn 53% so với cùng kỳ lên 29.202 tỉ đồng. Phải trả người bán ngắn hạn tăng gấp đôi - đây là phần giam vốn của không ít các doanh nghiệp xây dựng, nhà thầu. Người mua trả tiền trước hạn cũng nhân hai lên 15.962 tỉ đồng.

Nợ dài hạn của Novaland tăng 20% so với cùng kỳ lên 134.743 tỉ đồng, chủ yếu tới từ áp lực phải trả dài hạn khác. Ở đây là khoản tiền mà tập đoàn nhận hợp tác đầu tư từ các bên thứ ba cho một số dự án đến ngày 31.12.2022, gồm các dự án bất động sản nghỉ dưỡng và nhà ở. Trong khi đó, vay dài hạn điều chỉnh giảm gần 14% so với cùng kỳ xuống hơn 35.666 tỉ đồng.

Chủ nợ lớn nhất của Novaland hiện nay là Credit Suisse AG. Cụ thể, khoản vay ngắn hạn hơn 1.905 tỉ đồng, kỳ hạn 42 tháng. Lãi vay được tính theo LIBOR cộng biên độ 4,25%/năm và được trả định kỳ 6 tháng/lần. Khoản vay được đảm bảo bằng tài sản hình thành trong tương lai của một dự án thuộc huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa-Vũng Tàu. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn