MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bỏ được gánh nặng nợ xấu, các ngân hàng thu lợi nhuận cao.

Nửa đầu 2018: “Nhẹ gánh” nợ xấu, ngân hàng ồ ạt báo lãi

Gia Miêu LDO | 08/08/2018 17:09

Bước qua giai đoạn nửa đầu năm 2018, nhiều ngân hàng công bố lãi lớn. Trong đó, chất lượng hoạt động ngân hàng được chú ý nhất ở tín dụng với điểm nhấn xu hướng nợ xấu giảm và việc xử lý nợ xấu có nhiều kết quả khả quan.

Ồ ạt báo lãi

Ở khối ngân hàng quốc doanh, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vừa công bố con số lợi nhuận “khủng” 8.017 tỉ đồng trong 6 tháng, hoàn thành 57% kế hoạch năm. Lãnh đạo Vietcombank còn thông tin khả năng hết năm nay sẽ vượt 14.000 tỉ đồng lợi nhuận đặt ra và có thể vượt 15.000 tỉ đồng, nhất là khi hoạt động thoái vốn khỏi Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) và Ngân hàng Quân đội (MB) theo lộ trình có thể giúp Ngân hàng ghi nhận thêm cả nghìn tỷ đồng vào lợi nhuận.

Ở khối ngân hàng thương mại, những con số lợi nhuận đưa ra ban đầu cũng cho thấy một bức tranh nhiều màu sắc. Ngân hàngKỹ thương (Techcombank) công bố lợi nhuận trước thuế 6 tháng qua ở mức 5.195 tỉ đồng (tương đương 52% kế hoạch lợi nhuận cả năm), lợi nhuận sau thuế đạt 4.150 tỉ đồng - mức cao nhất từ trước đến nay. Thu nhập lãi thuần của ngân hàng trong 6 tháng đạt hơn 5.000 tỉ đồng (tăng 15% so với cùng kỳ), lãi ròng từ tài sản tài chính đạt 940 tỉ đồng (tăng 58%); thu nhập khác đạt 1.488 tỉ đồng (tăng 33%). Tổng thu nhập từ hoạt động đạt 8.659 tỉ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ và dự phòng rủi ro 1.044 tỉ đồng, chi phí hoạt động (chủ yếu trả lương cho cán bộ công nhân viên) 2.419 tỉ đồng.

MB và công ty con báo lãi 3.800 tỷ đồng sau khi kết thúc hoạt động 2 quý đầu năm, tăng mạnh so với lợi nhuận trước thuế hợp nhất cùng kỳ năm trước (2.514 tỷ đồng). Năm nay, MB đặt mục tiêu lãi trước thuế hợp nhất 6.800 tỷ đồng, trong đó riêng Ngân hàng đạt 6.500 tỷ đồng. Với kết quả 6 tháng đầu năm khả quan, MB cho biết, Ngân hàng có thể hoàn thành vượt mức kế hoạch lợi nhuận năm 2018.

Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (VIB) cho hay, với kết quả kinh doanh tích cực trong nửa đầu năm và triển vọng tốt hơn trong thời gian tới, cả năm 2018, VIB có thể lãi trên 2.500 tỷ đồng, vượt 25% so với kế hoạch đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua từ tháng 4. Trong khi đó, Ngân hàng Phát triển nhà TP.HCM (HDBank)đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hơn 3.900 tỷ đồng cho năm nay. Mới đây, lãnh đạo nhà băng này cho biết, sau khi việc sáp nhập với Ngân hàng TMCP xăng dầu Petrolimex (PGBank) được hoàn tất thì lợi nhuận có thể đạt hơn 4.700 tỷ đồng.

Lợi nhuận của cả hệ thống ngân hàng năm 2018 được kỳ vọng tăng trên 19% so với năm 2017. Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh tại các tổ chức tín dụng được tiến hành vào đầu tháng 6/2018 của Vụ Dự báo Thống kê, Ngân hàng Nhà nước, hầu hết các tổ chức tín dụng đánh giá kết quả hoạt động kinh doanh tăng trưởng tốt trong quý II/2018 và kỳ vọng kết quả cả năm sẽ tăng trưởng so với năm trước. 88% tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế trong năm 2018 của đơn vị tăng trưởng dương so với năm 2017. Lợi nhuận toàn hệ thống kỳ vọng tăng trưởng 19,05% trong năm 2018, cao hơn so với mức kỳ vọng tăng 18,2% ghi nhận tại cuộc điều tra quý I/2018.

Khi nợ xấu không còn là gánh nặng

Theo TS. Trương Huy Mai (RMIT), điểm đáng chú ý trong báo cáo tài chính của các ngân hàng trong 6 tháng đầu năm đó là ngoài hoạt động chính là tín dụng, lợi nhuận mà các ngân hàng thu về còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như chi phí hoạt động, trích lập dự phòng rủi ro, thu hồi nợ xấu. Xu hướng nợ xấu giảm đã thể hiện ở các kỳ cập nhật tổng thể từ Ngân hàng Nhà nước. Báo cáo từ một số thành viên cũng có kết quả khả quan. Tỷ lệ nợ xấu của VIB đến cuối tháng 6/2018 ở mức 2,3%, tỷ lệ nợ xấu của ACB trên dưới 1%...

Đơn cử tại Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), sau năm 2017 xử lý được hơn 15.000 tỷ nợ xấu, nửa đầu 2018 tiếp tục thu hồi được hơn 3.600 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng; nợ xấu cuối năm 2017 là 4,28%, hiện đã giảm xuống còn 3,3% và dự kiến sẽ giảm xuống dưới 3% vào cuối năm 2018. Hay tại VPBank, , tổng lượng nợ xấu đã bán cho VAMC những năm qua vào khoảng 7.000 tỷ đồng, nhưng hiện số dư chỉ còn khoảng 4.000 tỷ.

Nợ xấu của các ngân hàng có xu hướng giảm trong nửa đầu năm nay, kéo theo dự phòng rủi ro giảm, thậm chí một số ngân hàng còn được hoàn nhập dự phòng. Toàn hệ thống đã xử lý được 100.500 tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội, tính lũy kế từ tháng 8/2017 đến tháng 3/2018. Tổng nợ xấu nội bảng của hệ thống tổ chức tín dụng chiếm 2,18% tổng dư nợ.

Bên cạnh đó, theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, có một chuyển động đáng chú ý đối với ngành ngân hàng nói chung, và có thể sẽ nổi bật hơn nữa trong tương lai đó là số hóa đang thay thế dần nhân sự và chi phí nhân sự, giúp giảm thiểu chi phí hoạt động. Giảm thiểu được chi phí hoạt động cũng chính là một trong những nguyên nhân góp phần thúc đẩy lợi nhuận ngân hàng. Điểm này dễ thấy ở nỗ lực của nhiều thành viên, mà số hóa đang là một xu hướng, một vận động mới.

Như tại VPBank, tỷ lệ chi phí trên tổng thu nhập (CIR) đã giảm được từ 35,54% cuối 2017 xuống 32,31% nửa đầu năm nay. Hay tại Vietcombank, CIR ở mức khá cao với 43% đầu năm nay đến cuối quý 2/2018 cũng đã giảm được xuống còn 41%. Tại thành viên có các chỉ số kinh doanh hiệu quả nhất hệ thống trong năm 2017 là Techcombank, tỷ lệ CIR cũng cho thấy ở mức rất thấp, chỉ khoảng 29%.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn