MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
FED có thể thực hiện các chính sách khuyến khích các hộ gia đình vay nợ để tiêu dùng. Ảnh: Xinhua

Nước Mỹ và bài toán nợ chồng nợ

Quý An (theo Financial Times) LDO | 27/07/2023 17:32

Bất bình đẳng trong thu nhập càng gia tăng, nợ công của nước Mỹ sẽ tiếp tục gia tăng.

Phần lớn ý kiến đều cho rằng, vấn đề nợ công của Chính phủ Mỹ là hậu quả của sự hoang phí chính sách của Washington. Một vấn đề khác đang được chỉ ra nằm ở cấu trúc. Người Mỹ buộc phải lựa chọn giữa nợ gia tăng và tỉ lệ thất nghiệp cao hơn. Nguyên nhân là do mức độ bất bình đẳng thu nhập ở quốc gia này.

Tình hình càng trầm trọng hơn do thâm hụt thương mại lớn của Mỹ đã làm giảm mạnh nhu cầu của người tiêu dùng đối với các doanh nghiệp và nhà sản xuất nước này.

Cán cân lệch trong thu nhập là yếu tố chính thúc đẩy nợ. Người giàu chỉ sử dụng một phần nhỏ trên số tài sản cho tiêu dùng. Sự bất bình đẳng trong thu nhập sẽ tự động làm giảm tiêu dùng chung, chuyển thu nhập từ những người tiêu dùng ở mức cao (người thu nhập tầm trung) một cách hiệu quả. cho những người có số tiền tiết kiệm cao (những người giàu có).

Nếu lượng tiền tiết kiệm cao hơn khoản đầu tư, đây sẽ là một điều tốt cho nền kinh tế Mỹ. Khi đó, tổng cầu không đổi trong ngắn hạn và sẽ tăng trong dài hạn khi mức đầu tư cao hơn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Xét về lý thuyết của kinh tế học trọng cung, phải tiết kiệm nhiều hơn mới có mức đầu tư cao hơn. Điều này đã đúng cách đây nhiều thập kỷ, khi việc đầu tư kinh doanh chủ yếu bị hạn chế do các khoản tiết kiệm còn khan hiếm và chi phí vốn cao.

Lý thuyết trên nếu áp dụng vào hiện tại sẽ không còn đúng bởi nhu cầu yếu. Việc đầu tư kinh doanh đã không tỉ lệ thuận với mức tiết kiệm của những người giàu.

Điều này tạo ra một vấn đề cho nền kinh tế. Nếu mức tiêu thụ thấp không được cân bằng bởi mức đầu tư cao, tổng cầu phải giảm. Các doanh nghiệp sẽ cắt giảm sản xuất và sa thải công nhân.

Theo Michael Pettis, giáo sư tài chính tại Đại học Bắc Kinh, để ngăn chặn điều này xảy ra, Washington thường làm một trong hai việc:

Đầu tiên, Cục Dự trữ Liên bang (FED) có thể thực hiện các chính sách khuyến khích các hộ gia đình vay tiền để tiêu dùng. Trong trường hợp này, việc giảm tỉ trọng thu nhập của người Mỹ có thu nhập tầm trung sẽ được cân bằng với việc gia tăng khoản vay. Mức tiêu dùng như cũ có thể được duy trì.

Thứ hai, Washington có thể tự vay theo cách tăng thâm hụt ngân sách. Hậu quả có thể được khắc phục bằng cách tăng khoản tiết kiệm của người giàu.

Có một lựa chọn thứ ba cho nhiều nền kinh tế. Nếu mức tiết kiệm của một quốc gia tăng nhanh hơn mức đầu tư, hoặc nếu nhu cầu giảm so với sản xuất, thì quốc gia đó có thể xuất khẩu phần dư thừa dưới dạng thặng dư thương mại.

Tuy nhiên, Mỹ không thể làm được điều này vì là nước nhập khẩu ròng. Điều này sẽ xảy ra chừng nào các ngân hàng trung ương nước ngoài, doanh nghiệp và chủ sở hữu tài sản tài chính có thể sử dụng thặng dư để tiếp cận không giới hạn với cổ phiếu, trái phiếu, nhà máy và bất động sản của Mỹ.

"Nếu nước Mỹ sẵn sàng chấp nhận mức độ bất bình đẳng thu nhập cao và thâm hụt thương mại lớn, thì đây là sự đánh đổi phải tiếp tục gánh chịu. Để kiểm soát nợ mà không làm tăng tỉ lệ thất nghiệp, người Mỹ phải đảo ngược các chính sách kéo dài ủng hộ bất bình đẳng thu nhập, hoặc cho phép người nước ngoài đổ tiền vào" - GS. Michael Pettis cho biết.

Đó là lý do tại sao trần nợ sẽ không hạn chế được khoản nợ sẽ tiếp tục gia tăng của Mỹ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn