MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
150 JPY/USD được cho là mức tỷ giá sẽ khiến Nhật Bản can thiệp vào thị trường ngoại hối. Ảnh minh họa: Xinhua

Ồ ạt bán khống, tỷ giá đồng Yên vẫn chót vót

Quý An LDO | 26/02/2024 09:29

Tỷ giá ngoại tệ hôm nay (26.2): Giá USD ghi nhận tăng trong phiên đầu tuần, trong khi tỷ giá JPY/USD vẫn cao hơn 150.

Tỷ giá 1 USD hôm nay bằng bao nhiêu VND?

Tỷ giá USD Ngân hàng Nhà nước ở mức 24.004 đồng.

Tỷ giá USD Vietcombank hiện ở mức 24.430 đồng - 24.800 đồng (mua vào - bán ra).

Tỷ giá Euro hiện ở mức 25.959 đồng - 27.383 đồng (mua vào - bán ra).

Tỷ giá Yên Nhật hiện ở mức 158,81 đồng - 168,09 đồng (mua vào - bán ra).

Tỷ giá Bảng Anh hiện ở mức 30.396 đồng - 31.690 đồng (mua vào - bán ra).

Tỷ giá Nhân dân tệ hôm nay ở mức 3.352 đồng - 3.495 đồng (mua vào - bán ra).

Giá USD hôm nay

Chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF), ghi nhận ở mức 104,01 điểm.

Tỷ giá USD hôm nay. Ảnh: CNBC

Giá USD tăng vào thứ Hai, chuẩn bị cho một tuần đầy ắp các thông tin kinh tế quan trọng. Những dữ liệu này sẽ cung cấp thêm dấu hiệu về triển vọng lãi suất toàn cầu, trong đó chỉ số lạm phát của Mỹ là tâm điểm lớn nhất.

Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân cốt lõi (PCE) - thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ - sẽ được công bố vào thứ Năm với kỳ vọng tăng 0,4% hàng tháng.

Số liệu lạm phát ở khu vực đồng Euro, Nhật Bản và Úc cũng sẽ được công bố tuần này. Thêm vào đó, là quyết định lãi suất từ Ngân hàng Dự trữ New Zealand (RBNZ) và chỉ số PMI ở Trung Quốc.

Trong phiên đầu tuần, đồng bạc xanh tăng giá, đẩy tỷ giá Euro tăng 0,04% lên 1,0817 EUR/USD.

Tỷ giá đồng Bảng Anh ổn định ở mức 1,2671 GBP/USD, trong khi tỷ giá đồng đôla Úc giảm 0,07% xuống 0,6559 AUD/USD.

Dữ liệu về giá tiêu dùng Nhật Bản sẽ được công bố vào thứ Ba. Dữ liệu này được cho sẽ giảm xuống mức 1,8% hàng năm trong tháng 1 - mức thấp nhất kể từ tháng 3.2022.

Yếu tố này sẽ làm phức tạp kế hoạch chấm dứt lãi suất âm của Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) trong những tháng tới, khiến đồng Yên chịu áp lực trong tương lai. Tỷ giá đồng Yên hiện giảm nhẹ còn 150,40 JPY/USD, song vẫn ở mức cao. Từ đầu năm, đồng Yên đã giảm 6% do chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và Nhật Bản.

Jane Foley - chuyên gia ngoại hối tại Rabobank - cho biết: “Kể từ cuối năm ngoái, thị trường tập trung vào các cuộc họp chính sách vào tháng 3 hoặc tháng 4 của BOJ vì có khả năng chấm dứt chính sách lãi suất âm. Thông tin Nhật Bản rơi vào suy thoái trong nửa đầu năm 2023 sẽ làm giảm bớt sự hào hứng của thị trường đối với tốc độ thắt chặt tiền tệ từ Ngân hàng Nhật Bản”.

Dữ liệu mới nhất của Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai Hoa Kỳ cho thấy, hết tuần qua, lượng đồng Yên bị bán khống trên thị trường ngoại hối tăng lên khoảng 10 tỉ USD - mức lớn nhất kể từ tháng 11.

Ngược lại, giá sản xuất và giá tiêu dùng của Hoa Kỳ cao hơn dự kiến gần đây khiến chỉ số PCE được đánh giá sẽ tăng. Điều này càng đẩy lùi kỳ vọng về một loạt đợt cắt giảm của FED trong năm nay.

Theo công cụ CME FedWatch, hiện chỉ hơn 20% khả năng FED sẽ bắt đầu nới lỏng lãi suất vào tháng 5. Tỉ lệ này tháng trước là 90%.

Chuyên gia Kong của CBA phân tích: “Nếu có bất cứ dữ liệu mạnh hơn thị trường mong đợi, đồng USD sẽ được thúc đẩy. Tuy nhiên, USD vẫn sẽ tăng một cách khiêm tốn. Dưới góc độ cá nhân, tôi không nghĩ thị trường sẽ mong đợi lãi suất ở Mỹ tăng cao hơn”.

Chỉ số USD Index tăng 0,04% ở mức 104,01.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn