MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dự án điện gió ngoài khơi Thăng Long nằm ngoài khơi mũi Kê Gà (Bình Thuận) có tổng công suất 3.400 MW. Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN

Ồ ạt phát triển năng lượng điện gió, cần đồng bộ hạ tầng truyền tải

Vũ Long LDO | 14/07/2020 19:23

Mặc dù Chính phủ đã có nhiều chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, nhưng hiện nay hạ tầng truyền tải còn nhiều bất cập, cần chính sách hấp dẫn để xã hội hóa.

Nhiều rủi ro

Theo ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), Nghị quyết 55 được Bộ Chính trị đưa ra về phát triển năng lượng, đặt vai trò phát triển và thu hút đầu tư tư nhân vào lĩnh vực năng lượng. 

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tâm Tiến - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam, 10 năm qua cả nước chỉ làm được 400MW, đầu tư cho điện gió thực chất khá khó khăn.

Thứ nhất tất cả các thiết bị xây dựng, lắp đặt cho điện gió đòi hỏi thiết bị siêu trường, siêu trọng, phải có những xe đặc chủng, cẩu đặc chủng mới làm được. Ở thị trường Việt Nam rất hạn hẹp cho điều này, nhất là hiện nay bắt đầu tiến ra phát triển điện gió Nearshore (điện gió ven biển), Offshore (điện gió ngoài khơi)...

"Thiết bị làm trên biển không phải chuyện đơn giản, Việt Nam hầu như không có. Đây là thách thức rất lớn với các nhà đầu tư" - ông Nguyễn Tâm Tiến nói.

Thứ hai, là toàn bộ thiết bị, công nghệ về tuabin gió Việt Nam bị phụ thuộc hoàn toàn vào nước ngoài. Mới đây, khi Chính phủ đưa ra chính sách đến cuối năm 2021 là hết ưu đãi về giá điện gió (với mức giá điện trong đất liền là 8,5 Uscents/kWh và điện gió trên biển là 9,8 Uscents/kWh - PV) làm cho các nhà cung cấp nước ngoài bắt chẹt nhà đầu tư trong nước rằng nếu không mua thì không còn thời gian để làm kịp, đẩy các nhà đầu tư trong nước vào “thế khó”.

Ông Bùi Văn Thịnh - Chủ tịch Hiệp hội Điện gió Bình Thuận, nêu đặc điểm của các dự án điện gió là suất đầu tư lớn, khoảng 1,8-2 triệu USD/MW đối với dự án sử dụng thiết bị nguồn gốc châu Âu, cao gấp đôi suất đầu tư dự án điện mặt trời. Do vậy, rủi ro của các dự án điện gió cũng cao hơn nhiều so với các nguồn khác. 

Xã hội hóa đầu tư hệ thống truyền tải

Theo tính toán của Bộ Công Thương, đến năm 2025, nguồn điện gió cần bổ sung quy hoạch ở phương án cao là 11.630 MW, chiếm đến 20% tổng nguồn điện cả nước. Như vậy,  ngoài 4.800MW đã được bổ sung quy hoạch thì có thêm khoảng 7.000MW dự án mới được tiếp tục bổ sung.

Điện gió ngoài khơi. (Ảnh minh họa)

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, bên cạnh 9 dự án đã được ký thỏa thuận, EVN tiếp tục ký thêm 31 thỏa thuận với các nhà máy có tổng công suất 1.645MW đang trong quá trình xây dựng; 59 dự án điện gió khác, tổng công suất gần 2.700MW, đang trong quá trình quy hoạch tới năm 2025. Hơn 100 dự án tương tự đã được phê duyệt.

Các dự án này chủ yếu tập trung ở Bạc Liêu, Cà Mau, Trà Vinh, Ninh Thuận, Bình Thuận, Quảng Trị và Phú Yên.

Nhiều dự án điện gió sẽ được bổ sung vào quy hoạch có thể gây nên sự quá tải lưới truyền tải điện và để tránh quá tải, giải tỏa công suất cho điện gió, năm 2020, EVN sẽ khởi công 218 công trình và hoàn thành 240 công trình lưới điện 110-500kV.

EVN đang tính toán các kịch bản, đẩy nhanh kế hoạch xây dựng, đưa vào vận hành một số đường dây truyền tải như 220kV Đông Hà – Lao Bảo, Bạc Liêu – Vĩnh Châu… trong quý 3 hoặc 4.2020.

"Một số nhà đầu tư tư nhân, UBND các tỉnh đã có những đề xuất Chính phủ xem xét thực hiện cơ chế xã hội hóa đối với hoạt động đầu tư lưới điện truyền tải" - ông Hoàng Tiến Dũng cho biết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn