MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trụ sở Công ty TNHH Trung Linh Phát tại TP Ninh Bình. Ảnh: Thái Bình

"Ông lớn" đầu mối xăng dầu sa lầy trong nợ xấu ngân hàng

Cường Ngô - Quang Dân LDO | 11/01/2024 18:17

Không chỉ nợ thuế "khủng", Công ty TNHH Trung Linh Phát - "ông lớn" trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu còn sa lầy trong các khoản nợ xấu ngân hàng. Trong đó, nhiều ngân hàng đã bán đấu giá tài sản của doanh nghiệp này để thu hồi nợ với số tiền lên tới hàng chục tỉ đồng.

Rơi vào "vũng bùn" nợ xấu

Trong 179 doanh nghiệp nợ đọng hơn 494 tỉ đồng tiền thuế do Cục Thuế tỉnh Ninh Bình công bố, đứng đầu danh sách nợ thuế "khủng" là Công ty TNHH Trung Linh Phát - 1 trong 38 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, với số nợ lên tới trên 178 tỉ đồng.

Trước việc nợ thuế kéo dài của doanh nghiệp này, tháng 10.2023, Cục Thuế tỉnh Ninh Bình đã ban hành quyết định cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn đối với Công ty TNHH Trung Linh Phát.

Không chỉ nợ thuế "khủng", doanh nghiệp này còn sa lầy trong các khoản nợ xấu ngân hàng. Hồi cuối tháng 10.2023, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV chi nhánh Nam Định đã bán đấu giá tài sản là 3 bất động sản của công ty này ở phố Vinh Quang, phường Ninh Khánh, TP Ninh Bình để thu hồi nợ. Tổng giá khởi điểm cho 3 lô đất hơn 20 tỉ đồng.

Không chỉ BIDV, hồi tháng 3.2023, Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB) cũng thông báo thu giữ tài sản đảm bảo là 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Ninh Bình của Công ty TNHH Trung Linh Phát trong đó có một số giấy chứng nhận đứng tên bà Vũ Thị Thu Thảo - Tổng Giám đốc công ty và ông Trần Văn Dân - Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty.

Một cửa hàng xăng dầu của Công ty TNHH Trung Linh Phát. Ảnh: Nguyễn Phong

Theo tìm hiểu của Lao Động, ông Trần Văn Dân hiện đang là Chủ tịch Hội đồng thành viên và nắm giữ 51% vốn của Công ty TNHH Trung Linh Phát, còn bà Vũ Thị Thu Thảo làm Tổng Giám đốc công ty này.

Công ty TNHH Trung Linh Phát được thành lập năm 2009, có trụ sở tại phố Tiến Yết, thị Trấn Me, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh, bán buôn, bán lẻ xăng dầu và một số lĩnh vực khác. Theo giới thiệu, công ty này có 8 chi nhánh trên 8 tỉnh thành gồm TPHCM, Hòa Bình, Lạng Sơn, Hà Giang, Nam Định, Tuyên Quang, Vũng Tàu, Tây Nguyên.

Tại thời điểm đăng ký thay đổi hồi tháng 11.2022, Công ty TNHH Trung Linh Phát có vốn điều lệ 500 tỉ đồng, trong đó, ông Trần Văn Dân sinh năm 1970, sở hữu tỉ lệ lớn nhất với số vốn góp 255 tỉ đồng (51% vốn góp), bà Thảo góp 32,5 tỉ đồng (6,5% vốn góp), còn lại là một số cá nhân khác.

Kết quả kinh doanh kém hiệu quả

Theo tìm hiểu của PV, năm 2022, Công ty TNHH Trung Linh Phát đưa về 11.355 tỉ đồng doanh thu, tăng mạnh so với con số gần 7.750 tỉ đồng trong năm 2021.

Thế nhưng, do giá vốn tăng nhanh hơn đà tăng của doanh thu, nên năm vừa qua, Công ty TNHH Trung Linh Phát lỗ gộp hơn 100 tỉ đồng, trong khi năm trước đó, doanh nghiệp lãi gộp 29 tỉ đồng.

Kết quả, năm 2022, Công ty TNHH Trung Linh Phát lỗ ròng xấp xỉ 93 tỉ đồng, giảm mạnh so với số lãi khoảng 200 tỉ đồng trong năm 2021.

Theo kết luận của Thanh tra Bộ Công Thương về thanh tra xăng dầu, Công ty TNHH Trung Linh Phát mặc dù là đầu mối nhưng cũng có tên trong danh sách các doanh nghiệp nhập khẩu dầu diesel thấp hơn hạn mức nhập khẩu dầu được Bộ Công Thương phân giao năm 2021 tại Công văn số 8266 ngày 22.12.2021.

Công ty này cũng không gửi đăng ký điều chỉnh về Bộ Công Thương khi có sự thay đổi trong hệ thống phân phối xăng dầu của thương nhân.

Nhiều địa phương nợ thuế xăng dầu gần như đứng đầu trong danh sách

Trao đổi với Lao Động, một doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực xăng dầu cho biết, phần lớn số tiền nợ thuế của các doanh nghiệp là thuế bảo vệ môi trường, là tiền thuế mà người dân phải đóng góp, chi trả trên mỗi lít xăng dầu - do doanh nghiệp xăng dầu thu hộ và phải nộp vào cơ quan nhà nước. Ngoài ra, một số trường hợp nợ thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt...

"Việc để nợ thuế lên đến hàng nghìn tỉ đồng đặt ra nghi vấn rằng một số thương nhân đầu mối đã ứng tạm tiền từ kinh doanh xăng dầu (bao gồm cả tiền thuế, quỹ bình ổn do doanh nghiệp nắm giữ) để phục vụ hoạt động đầu tư kinh doanh lĩnh vực khác, như bất động sản, tài chính...

Đến khi thị trường ảm đạm, thanh khoản kém, nhiều doanh nghiệp lâm vào tình cảnh khủng hoảng dòng tiền và không có nguồn để bù lại khoản tiền đã tạm ứng”, vị này nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn