MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Ông lớn đổ tiền vào hàng không, bài toán hạ tầng giải thế nào?

Lâm Anh LDO | 16/07/2019 17:47

Nhiều "ông lớn" tư nhân đã và đang đổ tiền để gia nhập thị trường hàng không trong bối cảnh tăng trưởng ngành này của Việt Nam nhanh hàng đầu khu vực. Tuy nhiên, cùng với đó là bài toán hạ tầng còn nhiều nút thắt chờ tháo gỡ.

Tăng trưởng nhanh, thị trường hàng không thêm nhiều "lính mới"

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, tăng trưởng khách du lịch đi bằng đường hàng không ở Việt Nam những năm gần đây lại đang cao nhất Đông Nam Á.

Cụ thể, giai đoạn 2016-2021, lượng khách hàng không Việt Nam tăng trưởng 17%, cao gần gấp 3 lần mức bình quân của Đông Nam Á. Nếu năm 2012, toàn thị trường mới ở mức 37 triệu hành khách thì tới năm 2019, con số này dự kiến lên tới 112 triệu lượt khách.

Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế dự báo, Việt Nam sẽ là thị trường hàng không phát triển nhanh thứ 5 thế giới và vẫn nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á trong 5 năm tới.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, dù tốc độ tăng trưởng có dấu hiệu chậm lại so với cùng kỳ năm ngoái nhưng,thị trường hàng không vẫn tăng trưởng đạt 9,4% với sản lượng đạt 38,5 triệu khách.

Sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không, sân bay của Việt Nam đạt 56,8 triệu lượt hành khách tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2018. Vận chuyển của các hãng hàng không Việt Nam đạt xấp xỉ 27 triệu hành khách tăng 7,7%.

Các hãng hàng không liên tục mở đường bay, tăng chuyến. Không chỉ tăng trưởng, thị trường còn chứng kiến sự xuất hiện của những gương mặt mới khi Bamboo Airways gia nhập thị trường và nhanh chóng khai thác 24 đường bay.

Việc nhiều ông lớn gia nhập thị trường hàng không giúp thị trường này thêm sôi động nhưng cũng tạo không ít sức ép cho hệ thống hạ tầng vốn đang có sự phân bố không đều, nơi quá tải, nơi khai thác dưới công suất. Ảnh minh hoạ. Ảnh Anh Phú 

Còn "ông lớn" Vingroup đã chính thức bước chân vào thị trường với việc thành lập hãng hàng không Vinpearl Air. Ngoài ra, trong năm 2019 còn có 2 doanh nghiệp được thành lập trong lĩnh vực hàng không là Vietravel Airlines - do Vietravel sở hữu 100% vốn và Thiên Minh Airlines thuộc Tập đoàn Thiên Minh.

Và bài toán hạ tầng

Trong khi thị trường hàng không phát triển sôi động, vấn đề hạ tầng một lần nữa lại nóng lên, nhất là khi hãng hàng không nào cũng muốn chạy đua để có slot bay cũng như chỗ đỗ máy bay tại các sân bay đông khách như Tân Sơn Nhất, hay Đà Nẵng. Việc các hãng hàng không có xu hướng tập trung chủ yếu vào những điểm nóng như Tân Sơn Nhất, khiến sân bay này đã quá tải càng thêm quá tải, cả trên trời lẫn mặt đất.

Dù Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã có nhiều giải pháp để gỡ khó nhưng chưa thể giải quyết một cách cơ bản câu chuyện này khi mà quá trình mở rộng Tân Sơn Nhất chưa hoàn tất còn sân bay Long Thành mới đang ở giai đoạn đầu triển khai. 

Đại diện ACV cho biết đã và đang lập các dự án đầu tư xây mới, mở rộng các cảng hàng không hiện có trong đó tập trung vào các Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Cát Bi, Phú Quốc đồng thời đẩy nhanh tiến độ Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Cho đến thời điểm này, huyện Long Thành đã tiến hành kiểm đếm được hơn 60% trong tổng số trên 165 hec ta của giai đoạn 1 cảng hàng không quốc tế Long Thành. Được biết huyện cũng đã thuê tư vấn để xây dựng phương án bồi thường ngay trong tháng 9/2019.

Theo ACV, nếu tiến độ nhanh nhất thì cuối năm 2020 sẽ thi công một số hạng mục và năm 2021 sẽ tiếp tục thi công các hạng mục chính. Như vậy, nhanh thì cuối năm 2025 sẽ hoàn thành giai đoạn 1.

Sân bay Long Thành được quy hoạch đạt cấp 4F theo phân cấp của tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) với quy mô, công suất sau khi hoàn thành toàn bộ 03 giai đoạn là 100 triệu hành khách/năm và 05 triệu tấn hàng hóa/năm.

Trong đó, giai đoạn 1 sẽ đầu tư xây dựng 01 đường cất hạ cánh, 01 nhà ga hành khách cùng với các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn