MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một góc dự án Núi Pháo. Ảnh: Masan Group

“Ông lớn” Masan Group và tham vọng Núi Pháo

Lục Giang LDO | 26/04/2024 10:30

Nhìn vào những động thái của Masan Group tại mỏ Núi Pháo, có thể thấy ông lớn ngành bán lẻ đang thể hiện tham vọng rất lớn đối với mỏ khoáng sản này, kỳ vọng trở thành nhà sản xuất vonfram lớn nhất thế giới ngoài Trung Quốc.

Mỏ khoáng sản tỉ đô

Theo Báo cáo thường niên 2022 của Công ty Cổ phần Masan High-Tech Materials, mỏ Núi Pháo là một mỏ đa kim nằm tại huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Tại thời điểm năm 2014, trữ lượng đã được xác nhận của mỏ Núi Pháo khoảng 66 triệu tấn, với vòng đời mở ước tính 20 năm.

Mỏ Núi Pháo là một trong những mỏ có trữ lượng vonfram lớn nhất thế giới, chiếm gần 30% tổng trữ lượng toàn cầu. Đây cũng là mỏ đầu tiên trên thế giới được đầu tư để sản xuất trong vòng 15 năm qua.

Dự án mỏ Núi Pháo được vận hành bởi Công ty TNHH Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo - là công ty con do Masan High-Tech Materials sở hữu 100% (Masan High-Tech Materials do Masan Group sở hữu 86,4% vốn).

Trước đó, vào năm 2010, Tập đoàn Masan (Masan Group) tham gia vào dự án Núi Pháo với việc mua lại toàn bộ 70% cổ phần tại Công ty Núi Pháo từ tay Dragon Capital.

Chi tiết thương vụ Masan thâu tóm Núi Pháo. Ảnh chụp màn hình thuyết minh BCTC MSN năm 2010.

Ở giai đoạn ban đầu, Masan Group đã thành lập tới 4 pháp nhân để tiếp quản dự án Núi Pháo, bao gồm: Công ty TNHH Tầm nhìn Masan (Masan Horizon); Công ty CP Tài nguyên Masan (Masan Resources (MSR), từ năm 2020 đổi tên thành Công ty Cổ phần Masan High-Tech Materials); Công ty TNHH MTV Tài nguyên Masan Thái Nguyên (Masan Thai Nguyen Resources) và Công ty TNHH Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo (Nui Phao Mining).

Trong đó, Masan Resources (từ năm 2020 đổi tên thành Masan High-Tech Materials) là công ty nắm vai trò đầu mối và Nui Phao Mining là công ty trực tiếp được cấp giấy phép khai thác mỏ khoáng sản này.

Báo cáo thường niên năm 2023 của Masan Group ghi nhận, tính đến ngày 31.12.2023, Masan Group nắm giữ 86,4% vốn tại dự án Núi Pháo (thông qua Masan High-Tech Materials), phần còn lại thuộc sở hữu của Mitsubishi Materials Corporation, ban quản lý và các nhà đầu tư khác.

Sau thương vụ M&A đình đám, ngày 18.6.2010, Masan Group chính thức tái khởi động dự án Núi Pháo. Cuối năm 2013, nhà máy bắt đầu hoạt động thử nghiệm và đầu năm 2014 bắt đầu sản xuất thương mại.

Đến nay, dù đã chi hàng tỉ đô cho dự án Núi Pháo, nhưng siêu dự án này vẫn chưa tạo ra sự bùng nổ trong kết quả kinh doanh của Masan Group.

Tham vọng ngành khoáng sản của “ông lớn” bán lẻ

Tháng 8.2018, Masan Resources đã mua lại 49% cổ phần từ H.C.Starck trong Công ty TNHH Tinh luyện Vonfram Núi Pháo - H.C.Starck và đổi tên thành Công ty TNHH Vonfram Masan (Vonfram Masan). Masan Group cho rằng, thương vụ này là bước quan trọng để Masan Resources trở thành nhà sản xuất hóa chất vonfram tích hợp.

Tháng 9.2019, Vonfram Masan đã ký thỏa thuận mua lại nền tảng kinh doanh vonfram của Tập đoàn H.C. Starck GmbH - nhà sản xuất bột kim loại vonfram và vonfram các-bua công nghệ cao (các sản phẩm vonfram cận sâu). Theo Masan Group, giao dịch này là bước đi chiến lược trong tầm nhìn của MSR để trở thành nhà chế tạo vật liệu công nghiệp công nghệ cao.

Một góc dự án Núi Pháo. Ảnh: Masan Group

Theo Báo cáo thường niên 2023 của Masan Group, Masan High-Tech Materials đã trở thành nhà cung cấp hàng đầu trên toàn cầu đối với một số loại khoáng sản công nghiệp quan trọng như vonfram, florit và bismut.

“Chúng tôi hiện nắm giữ khoảng 1/3 thị phần vonfram toàn cầu ngoài Trung Quốc. MHT đặt mục tiêu trở thành nhà sản xuất vonfram lớn nhất thế giới ngoài Trung Quốc và đang xây dựng năng lực để tăng gấp đôi thị phần sản phẩm vonfram cận sâu (midstream)”, Masan Group trình bày trong Báo cáo thường niên 2023.

Sau khi mua lại nền tảng kinh doanh vonfram toàn cầu của H.C.Starck, Masan High-Tech Materials đã trở thành một trong những công ty chế biến và cung cấp vonfram cận sâu cho các ngành công nghiệp quan trọng như cơ khí chế tạo và công cụ, khai khoáng, ôtô, năng lượng, hàng không và công nghiệp hóa chất.

Nhìn vào những động thái của Masan Group tại mỏ Núi Pháo, có thể thấy ông lớn ngành bán lẻ đang thể hiện tham vọng rất lớn đối với mỏ khoáng sản này, đặc biệt trong chiến lược toàn cầu khi “đánh chiếm” 1/3 thị phần vonfram thế giới và đặt mục tiêu trở thành nhà sản xuất vonfram lớn nhất thế giới ngoài Trung Quốc.

Tuy nhiên, Báo cáo thường niên 2023 của Masan High-Tech Materials đã cho thấy những khó khăn của thị trường vonfram thế giới do nguồn cầu ảm đạm.

Điều này đã tác động trực tiếp lên kết quả kinh doanh năm 2023 của doanh nghiệp với doanh thu thuần ở mức 14.093 tỉ đồng, giảm 9% so với năm 2022. Doanh thu từ Vonfram đạt 11.422 tỉ đồng - giảm 15% so với năm trước do doanh số bán hàng thấp và nhu cầu thị trường giảm.

Về mục tiêu kinh doanh, năm 2024, Masan High-Tech Materials dự kiến đạt doanh thu thuần từ 15.000 đến 15.800 tỉ đồng, tương ứng tăng lần lượt 6% đến 12% so với cùng kỳ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn