MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

"Ông lớn" ngành taxi Vinasun thua lỗ triền miên, nguy cơ hủy niêm yết

Gia Miêu LDO | 31/01/2022 14:53

Nếu năm 2022 không cải thiện được tình trạng thua lỗ thì Vinasun sẽ phải đối diện với việc hủy niêm yết bắt buộc do thua lỗ 3 năm liên tiếp.

Số liệu báo cáo tài chính (BCTC) năm 2021 vừa được công bố của Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) cho thấy bức tranh kinh doanh đầy ảm đạm của ông lớn ngành taxi. Cụ thể, Vinasun lại tiếp tục quý thua lỗ thứ 8 liên tiếp với mức lỗ ròng hơn 88 tỉ đồng trong quý 4/2021. Kết thúc năm 2021, Vinasun ghi nhận doanh thu thuần giảm 52% so với thực hiện năm trước, xuống còn 485 tỉ đồng và lỗ ròng gần 274 tỉ đồng.

Tại thời điểm 31.12.2021, tổng tài sản của Vinasun ghi nhận hơn 1.571 tỉ đồng, giảm 24% so với đầu năm. Ngược lại, các khoản phải thu ngắn hạn tăng 37%, lên hơn 236 tỉ đồng chủ yếu do tăng phải thu về thanh lý tài sản cố định. Nợ phải trả tính đến cuối tháng 12 ghi nhận hơn 365 tỉ đồng. Trong đó, dư nợ vay ngắn hạn gần 131 tỉ đồng. Đáng chú ý, số lượng nhân viên tại ngày 31.12.2021 chỉ còn 1.877. Như vậy, chỉ trong năm 2021, Vinasun tiếp tục cắt giảm 2.521 nhân viên. Trong năm 2020, VNS cũng đã cắt giảm 1.392 nhân viên.

Theo giải trình của Công ty Vinasun, nguyên nhân hoạt động kinh doanh sa sút là do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến hầu hết các xe đều phải ngưng hoạt động do các quy định chống dịch của Nhà nước. Khó khăn đầu tiên mà Vinasun tiếp tục phải đối mặt là dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp cả ở trong nước và quốc tế, khiến các tuyến vận tải hành khách quốc tế tiếp tục đóng băng (ngoại trừ các chuyến bay đưa công dân về nước), trong khi nhu cầu đi lại trong nước vẫn ở mức thấp. Khó khăn nữa là giá xăng dầu liên tục được điều chỉnh tăng. Nhiên liệu là chi phí quan trọng trong cấu trúc chi phí của Vinasun, chiếm 20-25% giá vốn. Do vậy, xu hướng tăng giá sẽ ảnh hưởng đáng kể đến biên lợi nhuận của Công ty. Khó khăn thứ ba mà Vinasun phải đổi mặt đến từ các hãng taxi công nghệ. Thực tế, đây không phải là khó khăn mới, mà đã kéo dài suốt nhiều năm qua.

Để ứng phó với xu hướng tiêu dùng mới, những năm qua, Vinasun đã thực hiện nhiều giải pháp như phát triển ứng dụng đặt xe, triển khai phát triển phương thức thanh toán online, nâng cấp và hoàn thiện hơn nữa hệ thống quản lý và điều hành xe thông qua GPS kết hợp với khai thác thế mạnh của việc điều xe qua hệ thống tổng đài - điều mà các hãng công nghệ không có. Đồng thời, Công ty đẩy mạnh các mảng hoạt động phụ trợ như quảng cáo trên taxi…

Tuy vậy, kết quả của các giải pháp đó dường như chưa đáp ứng được kỳ vọng. Thực tế, quy mô hoạt động của Công ty Vinasun ngày càng bị thu hẹp với số nhân sự và tài sản cố định sụt giảm, kéo theo sụt giảm về doanh thu, lợi nhuận. Và theo quy định nếu năm 2022 không cải thiện được tình trạng thua lỗ thì cổ phiếu của “ông lớn” ngành taxi này sẽ phải hủy niêm yết bắt buộc trên sàn HoSE vì có 3 năm thua lỗ liên tiếp.

Trước đó, HoSE đã ban hành quyết định đưa cổ phiếu VNS của Vinasun vào diện cảnh báo từ ngày 5.4.2021 do Công ty có lợi nhuận sau thuế của cổ đông Công ty mẹ năm 2020 là âm 207 tỉ đồng. Và hiện nay vẫn tiếp tục duy trì diện ảnh báo với cổ phiếu này, việc xem xét hướng xử lý tiếp theo đối với cổ phiếu VNS sẽ căn cứ vào Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 của Công ty.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn