MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngành Xây dựng vẫn đối mặt với nhiều khó khăn trong năm 2023. Ảnh: Cao Nguyên.

Ông lớn ngành xây dựng muốn tăng lợi nhuận 1.000%

Thanh Giang LDO | 09/04/2023 11:57

Kế hoạch kinh doanh của các ông lớp ngành xây dựng trong năm 2023 cho thấy, nếu như Coteccons kỳ vọng lãi sau thuế tăng tới hơn 1.000%, Newtecons cũng đặt mục tiêu doanh thu tăng trưởng 10%, Vinaconex lại dự kiến lợi nhuận sẽ giảm 8% trong lúc.

Thận trọng với kế hoạch đặt ra

Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons (Coteccons, mã chứng khoán CTD) vừa công bố tài liệu đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên năm 2023, trong đó đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất đạt 16.249 tỉ đồng, tăng 12% so với thực hiện năm 2022. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất 233 tỉ đồng, tăng 1.010% so với kết quả thu về năm vừa qua.

Kết thúc năm 2022, Coteccons ghi nhận doanh thu đạt 14.537 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 21 tỉ đồng. Với kết quả này, doanh nghiệp hoàn thành 97% kế hoạch doanh thu và vừa đủ vượt mục tiêu lợi nhuận cả năm đề ra.

Trong khi đó, đối với Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Newtecons, sau khi ghi nhận doanh thu vượt mốc 11.000 tỉ đồng năm 2022, tại lễ ký kết kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023 hồi đầu tháng 1, Ban điều hành công ty nhận định, nếu thị trường có những chuyển biến tích cực, Newtecons vẫn hướng đến mục tiêu tăng trưởng hơn 10% so với năm trước.

Lãnh đạo Newtecons cũng cho biết doanh thu năm ngoái của công ty vượt mốc 11.000 tỉ đồng, cao hơn so với con số công bố trước đó là 10.000 tỉ. Như vậy, kế hoạch doanh thu năm 2023 của Newtecons kỳ vọng đạt trên 12.100 tỉ đồng.

Trong tài liệu ĐHCĐ năm 2023 vừa công bố, Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã chứng khoán HOSE: VCG) kỳ vọng doanh thu hợp nhất chạm ngưỡng 16.340 tỉ đồng, tăng 170% so với năm 2022 nhưng lãi ròng chỉ đặt ở mức 860 tỉ đồng, giảm 8% so với thực hiện năm 2022.

Trước đó, trong năm 2022, Vinaconex cũng không hoàn thành được kế hoạch đặt ra. Cụ thể, theo Nghị quyết ĐHCĐ thường niên năm 2022, Vinaconex đặt mục tiêu doanh thu là 15.300 tỉ đồng, thế nhưng chỉ đạt được 9.576 tỉ đồng, tương ứng hoàn thành 63%. Trong khi đó, doanh nghiệp đặt kế hoạch lợi nhuận trong năm 2022 là 1.400 tỉ đồng, tuy nhiên lãi ròng đưa về chỉ đạt 931 tỉ đồng, tương ứng hoàn thành 66%.

Rủi ro thâm hụt dòng tiền

Mới đây, theo khảo sát của Công ty Cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), nhiều doanh nghiệp xây dựng khá thận trọng đối với triển vọng kinh doanh năm nay. Theo nhận định của lãnh đạo một số doanh nghiệp lớn trong ngành, năm 2023 vẫn là một năm hết sức khó khăn đối với các nhà thầu bởi họ đang phải chịu sức ép tài chính rất lớn.

Ảnh: Chụp màn hình.

Xét trong chuỗi giá trị ngành, khi thực hiện thi công, các nhà thầu xây dựng sẽ được nhận dòng tiền từ chủ đầu tư dự án, bao gồm: Tiền tạm ứng cho nhà thầu trước khi bắt đầu thi công dự án và tiền thanh toán theo tiến độ công trình dựa trên kết quả nghiệm thu khối lượng đã hoàn thành.

Tuy vậy trên thực tế các tổng thầu xây dựng thường đối mặt với rủi ro thâm hụt dòng tiền và phải dựa vào nguồn vốn tín dụng cho việc thi công dự án do ba nguyên nhân. Một là, các chi phí xây dựng thường phải thanh toán khá sớm. Hai là, dòng tiền thanh toán từ chủ đầu tư thường chậm. Ba là các nhà thầu phụ/đội thi công thường có quy mô bé và khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng, do đó đẩy áp lực thâm hụt dòng tiền và vay nợ về các tổng thầu.

Theo Vietnam Report, tại thời điểm khảo sát tháng 2.2023, đánh giá về khả năng tiếp cận vốn, gần 50% số doanh nghiệp xây dựng cho rằng sẽ khó khăn hơn so với năm trước song tỉ lệ này đã giảm đi so với kết quả khảo sát cách đây một năm.

Ảnh: Chụp màn hình.

Kết quả khảo sát của Vietnam Report cũng chỉ ra rằng tỷ lệ doanh nghiệp lo ngại về tác động của suy thoái kinh tế và tiến trình cấp phép, phê duyệt dự án chậm hơn trước đây tiếp tục gia tăng trong 12-18 tháng tới. Trong khi đó, những khó khăn liên quan đến biến động giá nguyên vật liệu, lạm phát và tâm lý thận trọng trong hoạt động đầu tư do tác động của đại dịch sẽ giảm dần mức độ ảnh hưởng.

2/3 doanh nghiệp cũng cho rằng xây dựng năng lượng và tiện ích chưa có nhiều chuyển biến rõ rệt so với năm trước nên tình hình xây dựng nhà ở và xây dựng thương mại được dự báo không mấy tích cực khi nhu cầu xây dựng ở phân khúc này chưa cải thiện và áp lực cạnh tranh tăng cao.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn