MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngành công nghiệp đóng tàu đóng vai trò quan trọng. Ảnh: SBIC

"Ông lớn" trong ngành đóng tàu kêu khó

Thuỳ Hương LDO | 05/10/2019 19:20

Theo đại diện của Công ty tàu thủy SBIC, do ảnh hưởng của khủng hoảng ngành cơ khí đóng tàu thế giới trong những năm qua và nhiều nguyên nhân khác, doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. 

Theo báo cáo tháng 12.2018 của Cục hàng hải Việt Nam, sản lượng hàng hóa vận chuyển năm 2018 bằng đường biển chỉ chiếm 5,2%, vận tải thủy nội địa chiếm 17,1%, đường sắt 0,4% và vận tải bằng đường bộ vẫn chiếm phần lớn tỷ trọng hàng hóa vận chuyển là 77,2% với giá thành cao hơn hẳn vận tải bằng đường biển (cao hơn 6,5 lần khi vận chuyển container).

  Ảnh: SBIC

Năm 2018 ngành hàng hải đã vận chuyển trên 524 triệu tấn hàng thông qua cảng biển, tăng 19% so với cùng kỳ, dự báo trong những năm tới, tốc độ tăng trưởng hàng hóa thông qua cảng biển hàng năm sẽ là 12 -16% và năm 2030 đạt gấp 1,5 – 2 lần so với hiện nay.

Đội tàu biển Việt Nam hiện có 1.593 tàu với tổng trọng tải là 7,8 triệu tấn, tuy nhiên cơ cấu đội tàu đang không hợp lý (69% tàu hàng bách hóa, 9% tàu hàng rời, 3,3% tàu chở container, 15% tàu chở dầu và 3,3% tàu khác), tuổi tàu cao, chất lượng tàu thấp và trình độ quản lý khai thác còn hạn chế. Do đó nhu cầu bổ sung tàu mới cho đội tàu biển Việt Nam đáp ứng yêu cầu vận tải đường biển là vô cùng cấp bách.

Ngành công nghiệp đóng tài tại Việt Nam có nhiều bước tiến. Ảnh: SBIC 

Theo đại diện của Công ty tàu thủy SBIC, ngành công nghiệp đóng tàu đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp các phương tiện, thiết bị kỹ thuật phục vụ vận tải hàng hóa - hành khách bằng đường biển/sông, công nghiệp quốc phòng, dầu khí và công nghiệp thủy hải sản…. Tuy nhiên, ngành này còn đối mặt với nhiều khó khăn. 

"Do ảnh hưởng của khủng hoảng ngành cơ khí đóng tàu thế giới trong những năm qua và nhiều nguyên nhân khác, Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy – SBIC (chiếm khoảng 70% năng lực đóng tàu của Việt Nam) đã gặp nhiều khó khăn hạn chế, mất khả năng thanh toán và hiện đang thực hiện Tái cơ cấu toàn diện theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải từ năm 2010 đến nay", doanh nghiệp này cho biết. 

Ảnh: SBIC 

Các công ty đóng tàu thành viên hiện hầu như không có các khách hàng lớn do các công ty vận tải hàng hải trong nước cũng đang gặp nhiều khó khăn trong cạnh tranh cũng như việc tìm kiếm nguồn vốn để đầu tư mở rộng đội tàu. Quỹ việc làm hàng năm của các đơn vị đang giảm dần không phát huy được năng lực cơ sở hạ tầng đã đầu tư lớn từ những năm trước

Các doanh nghiệp đóng tàu cũng đang gặp phải khó khăn về vấn đề tài chính do các khoản nợ đầu tư lớn tại các Ngân hàng chưa được tái cơ cấu; việc vay vốn ngân hàng để sản xuất gần như là không thể, việc vay vốn đầu tư dài hạn lại càng khó khăn hơn. Tổng công ty và các đơn vị cũng không thể mở thủ tục bảo lãnh thực hiện hợp đồng theo thông lệ quốc tế với các hợp đồng đóng tàu thương mại cho chủ tàu nước ngoài.

Nhiều chuyên gia, cán bộ thiết kế-kỹ thuật, công nhân lành nghề cũng chuyển ra khỏi Tổng công ty do số lượng thi công các tàu xuất khẩu giảm sút nhiều, quỹ việc làm liên tục giảm sâu hàng năm; Năng lực quản lý và tổ chức sản xuất, quản lý kinh tế ở phần lớn các nhà máy đóng tàu vẫn còn chưa đáp ứng yêu cầu.

Từ đây, ông Đồng đề xuất nhà nước cần có cơ chế, chính sách thích hợp hỗ trợ kịp thời quá trình tái cơ cấu Tổng công ty công nghiệp tàu thủy (SBIC) làm nòng cốt để duy trì và phát triển ngành công nghiệp đóng mới và sửa chữa tàu biển. Sử dụng các nhà máy, dự án hiện có cơ sở hạ tầng phù hợp để tiếp tục đầu tư kết hợp với phát triển và hiện đại hóa đội tàu biển Việt Nam. 

Điều chỉnh về chiến lược Giao thông vận tải theo lộ trình, tăng cường khả năng vận chuyển bằng đường biển, đường thủy nội địa, dịch vụ logistics để tạo nên một hệ thống vận tải đồng bộ, liên hoàn và hiệu quả.

Về đầu tư tài chính, cần có chính sách tái cơ cấu các khoản vay phát sinh trong giai đoạn trước đây của SBIC theo Đề án tiếp tục tái cơ cấu Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam đã được Chính phủ phê duyệt.

Nhà nước đóng vai trò người mua lớn, hộ tiêu thụ sản phẩm tàu biển lớn hoặc có chính sách để hỗ trợ các Chủ tàu lớn như Vinalines phát triển đội tàu hiện đại, hỗ trợ đầu ra cho các doanh nghiệp đóng tàu, góp phần phát triển vận tải đường thủy trong nước và cạnh tranh với các hãng vận tải lớn trên thế giới.

Đồng thời, có chính sách ưu đãi về vay vốn lưu động cho các đơn vị đóng tàu, bảo lãnh thực hiện Hợp đồng với chủ tàu nước ngoài đối với những sản phẩm được đánh giá là hiệu quả, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp làm tốt công tác thị trường, tiếp cận các sản phẩm thương mại quốc tế.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn