MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đạt thấp, Bạc Liêu tìm giải pháp cải thiện Ảnh: Nhật Hồ

PCI đứng 61/63, Bạc Liêu đặt mục tiêu vào TOP20 năm 2025

NHẬT HỒ LDO | 31/05/2023 17:50

Bạc Liêu - Hàng loạt những nguyên nhân được đưa ra để minh chứng cho chỉ số PCI của Bạc Liêu đứng 61/63 tỉnh, thành được Chủ tịch UBND tỉnh và các sở, ngành đưa ra.

Chiều ngày 31.5, UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức hội nghị đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (gọi tắt là PCI) năm 2022; giải pháp nâng cao chỉ số PCI năm 2023 và những năm tiếp theo.

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Nhật Hồ

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều nhấn mạnh, chỉ số PCI đã và đang nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận xã hội, các cơ quan truyền thông và người dân; được Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh tập trung chỉ đạo bằng nhiều văn bản, thậm chí đưa vào Nghị quyết của Tỉnh ủy; đồng thời UBND tỉnh cũng có nhiều kế hoạch, chương trình hành động.

Tuy nhiên, chỉ số PCI của tỉnh Bạc Liêu những năm gần đây liên tục sụt giảm cả về điểm số lẫn về thứ hạng. Cụ thể, chỉ số PCI sau khi đạt thứ hạng 7/63 vào năm 2012 thì từ đó đến nay (năm 2018 PCI tăng được 3 bậc), còn lại thì chỉ số này liên tục sụt giảm, thậm chí năm 2020 vừa qua xếp hạng 63/63 thấp nhất cả nước; năm 2021 tuy tăng được 8 bậc, xếp hạng 55/63, nhưng vẫn ở nhóm điều hành tương đối thấp; năm 2022 giảm 6 bậc, xếp hạng 61/63 thuộc nhóm điều hành tương đối thấp.

Bạc Liêu quyết tâm cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Ảnh: Nhật Hồ

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu yêu cầu phải nỗ lực tìm và chỉ ra cho được “điểm nghẽn” trong quá trình phân công nhiệm vụ và tổ chức thực hiện.

Bạc Liêu có 7 chỉ số thành phần giảm điểm so năm 2021 gồm: Tiếp cận đất đai; tính minh bạch; chi phí thời gian; cạnh tranh bình đẳng; tính năng động của chính quyền tỉnh; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; đào tạo lao động.

Các sở, ban, ngành của tỉnh đã có những chia sẻ về những nguyên nhân khiến cho chỉ số PCI của tỉnh thấp như: Hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính có cải thiện song vẫn cần thêm nhiều nỗ lực. Một số lĩnh vực còn gây phiền hà khó khăn cho doanh nghiệp như: Thuế, đất đai, xây dựng, đăng ký doanh nghiệp, phòng cháy chữa cháy, quản lý thị trường, các thủ tục liên quan đến kinh doanh có điều kiện, các thủ tục tiếp cận vốn… Vẫn còn tình trạng doanh nghiệp bị thanh, kiểm tra trên 3 lần một năm...

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho rằng, ngoài các khó khăn do yếu tố khách quan như: Kết cấu hạ tầng kỹ thuật còn thiếu và yếu, đa số doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, nhận thức của một bộ phận doanh nghiệp và người dân chưa cao, nguồn nhân lực và công tác đào tạo lao động của tỉnh còn nhiều khó khăn... Song nguyên nhân chính chủ yếu xuất phát từ các yếu tố chủ quan trong công tác tổ chức thực hiện và chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp.

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cũng đã đưa ra 7 giải pháp ngắn hạn và 7 giải dài hạn để cải thiện chỉ số PCI của tỉnh như: Tổ chức đối thoại hiệu quả với cộng đồng doanh nghiệp; đơn giản hóa, thúc đẩy cải cách hành chính toàn diện, tăng cường giải quyết thủ tục hành chính dịch vụ công trực tuyến; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến mời gọi đầu tư; xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số mà trọng tâm là hệ thống quản lý đô thị thông minh tích hợp....

Đồng thời, chỉ đạo các cấp, các ngành, nhất là người đứng đầu phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt tối đa nhằm tạo sự chuyển biến căn bản, rõ nét cả về nhận thức lẫn về hành động, đồng thời triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp thực sự cụ thể, trọng tâm, nhất là những cách tiếp cận mới, đột phá. Cần tập trung thực hiện để cải thiện và nâng dần thứ hạng chỉ số PCI của tỉnh ngay trong năm 2023 và những năm tiếp theo, quyết liệt phấn đấu đưa chỉ số PCI này nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố vào năm 2025.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn