MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Việc tính giá điện nhiều bậc rất phức tạp, gây khó khăn cho việc kiểm tra, giám sát của các chủ thể sử dụng và các tổ chức quần chúng tham gia giám sát giá cả và sản lượng mặt hàng này. Ảnh: Hải Nguyễn

Phải đảm bảo sự công bằng trong mua bán

Cao Nguyên LDO | 26/08/2020 08:00
Nhìn nhận việc Bộ Công Thương rút lại các phương án điện 1 giá do mức đề xuất quá cao là động thái lắng nghe, tiếp thu nhưng nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, trong nền kinh tế thị trường, ngành điện vẫn cần hướng đến việc áp dụng phương án một giá điện, ai dùng ít trả ít, ai dùng nhiều trả nhiều nhằm đảm bảo sự công bằng trong mua bán hàng hóa.

Rút lại phương án điện 1 giá

Trao đổi với Lao Động, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế - cho rằng, theo quy định tại điều 4 của Quyết định 24/2017 do Thủ tướng ban hành, giá điện bình quân được tính trên cơ sở giá điện sản xuất tại các nhà máy trong nước và cả điện nhập khẩu, cộng lợi nhuận định mức từ các nhà máy điện cung cấp dịch vụ phụ trợ (bao gồm cả chi phí chạy thử nghiệm)…

Đặc biệt, giá điện bình quân hiện nay cũng tính luôn lỗ do tỉ giá, các chi phí mua dịch vụ điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực cộng lợi nhuận định mức, bao gồm cả chi phí điều tiết thị trường điện lực… bảo đảm ngành điện có lãi để tái đầu tư. Giá điện bình quân này tính chung cho cả 4 nhóm đối tượng: Sản xuất công nghiệp; khối hành chính sự nghiệp; khối kinh doanh thương mại và điện cho sinh hoạt.

Vị chuyên gia này cho rằng, mức giá bán lẻ điện bình quân hiện hành tại Quyết định số 648/QĐ-BCT của Bộ Công Thương đã được Chính phủ phê duyệt và áp dụng từ ngày 20.3.2019 được quy định là 1.864,44 đồng/kWh. Trên cơ sở đó, mức giá bán lẻ điện sinh hoạt được xác định là 2.018 đồng/kWh. Như vậy, đây được coi là giá mà người tiêu dùng chấp nhận, do giá điện vẫn là giá được Chính phủ quản lý. Tuy nhiên trong kinh tế thị trường, nếu coi điện là một hàng hóa như mọi hàng hóa khác thì Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chỉ được bán với đúng mức giá bán lẻ điện bình quân cho sinh hoạt đã được quy định. Và như vậy chỉ nên áp dụng một giá, ai dùng ít trả ít, ai dùng nhiều trả nhiều đảm bảo sự công bằng trong mua bán hàng hóa.

Vẫn cần tính toán lại phương án 5 bậc thang

Trong điều kiện hiện nay khi người dân có nhu cầu sử dụng điện nhiều nhưng sản xuất điện không tăng trưởng kịp, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh nhìn nhận, việc phân chia giá điện theo bậc thang như hiện nay là một việc làm cần thiết để khuyến khích người tiêu dùng sử dụng tiết kiệm điện.

Thực tế về nguyên tắc bù chéo giữa các nhóm tiêu dùng ở các bậc thang này, tổng doanh thu bán điện của EVN theo các bậc thang phải bằng giá bán lẻ điện bình quân cho sinh hoạt đã được Chính phủ quy định nhân tổng sản lượng điện tiêu thụ cho sinh hoạt của người dùng. EVN không được phép hưởng khoản thu lớn hơn tổng sản lượng điện tiêu thụ cho sinh hoạt tính theo giá bán lẻ điện bình quân cho sinh hoạt đã được Chính phủ quy định.

Tuy nhiên với phương án 5 bậc vừa được Bộ Công Thương đề xuất, để chính xác, rất cần số liệu thống kê cụ thể về các hộ gia đình tiêu thụ điện ở từng mức sử dụng, sản lượng điện năng tiêu thụ trong thời gian vừa qua” - ông Thịnh nói.

Cũng theo vị chuyên gia này, vì mức giá bậc thang bình quân thực tế cao hơn giá bán lẻ điện bình quân cho sinh hoạt đã được Chính phủ quy định, nên EVN sẽ được hưởng phần chênh lệch này. Hơn nữa, khi thời tiết nắng nóng hay quá lạnh, hoặc các dịp lễ, Tết, lượng tiêu thụ điện của các gia đình tăng lên làm cho số người tiêu dùng ở các bậc thang “nhảy bậc” và EVN sẽ càng được hưởng khoản chênh lệch lớn hơn.

Trong khi đó việc tính giá điện bậc thang cũng không giải quyết được vấn đề về tính công khai, minh bạch trong việc “co ngắn” hay “kéo giãn” thời gian đo đếm điện để “đẩy bậc” giá điện của người sử dụng mà lâu nay dư luận bàn tán.

Giá điện phải bảo đảm công khai, minh bạch

Trong khi đó, theo TS Ngô Đức Lâm - nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng, nguyên Cục trưởng Cục An toàn Kỹ thuật môi trường (Bộ Công Thương) - với phương án giá điện sinh hoạt theo lũy tiến 5 bậc được Bộ Công Thương đưa ra, về nguyên tắc phải đảm bảo việc người nghèo được hỗ trợ, hưởng chính sách ưu đãi của nhà nước. Đặc biệt, tổng doanh thu điện sinh hoạt của từng bậc trong các bậc thang từ khách hàng phải cân bằng với tổng doanh thu được tính theo giá điện bình quân.

Ông Lâm cho rằng, việc áp dụng giá 5 bậc, có cải tiến hơn lũy tiến 6 bậc, xong chưa chứng minh được sự cốt lõi là phải đảm bảo giá điện bình quân không thay đổi.

Còn ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục quản lý giá (Bộ Tài chính) - cũng đề cập đến vấn đề cơ quan quản lý, ngành điện cần công bố công khai giá bình quân và giá bình quân từng bậc thang, công khai tỉ lệ tính giá từng bậc với bình quân chung và tỉ lệ tính giá từng bậc với giá bình quân của điện sinh hoạt, để bảo đảm công khai, minh bạch trong giá điện.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn