MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh: N.B

Phải điều hành theo từng chỉ tiêu tăng trưởng

Xuân Quang LDO | 02/06/2017 10:54
Ngày 1.6, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, khai khoáng, hóa chất và công nghiệp hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Phấn đấu khai thác thêm 1 triệu tấn dầu và 1 tỉ mét khối khí

Theo Bộ Công Thương, với mức tăng trưởng sản lượng được rà soát, mức tăng chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của toàn ngành công nghiệp cả năm 2017 dự kiến sẽ ở mức khoảng 8% ( đạt mức kế hoạch đề ra của năm 2017 và cao hơn so với mức tăng của năm 2016 là 7,4%). Trong đó, ngành khai khoáng đạt khoảng 92% so với năm 2016 (đã tính đến sản lượng khai thác dầu thô tăng thêm 1 triệu tấn). Ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng khoảng 12,5% so với năm 2016. Ngành sản xuất và phân phối điện tăng khoảng 12,0%.

Đánh giá khả năng tăng trưởng của từng lĩnh vực công nghiệp, ngành dầu khí khẳng định sẽ phấn đấu khai thác thêm 1 triệu tấn dầu và 1 tỉ mét khối khí, qua đó phấn đấu cả năm sẽ đạt 13,28 triệu tấn dầu và 10,6 tỉ mét khối khí (đóng góp thêm khoảng 0,25% mức tăng GDP). Khả năng khai thác thêm than là khó khăn, do phụ thuộc vào thị trường.

Đối với nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo, thông qua việc rà soát 24 mặt hàng/nhóm hàng chủ yếu trong 5 tháng đầu năm cho thấy, 12 nhóm sản phẩm có khả năng tăng trưởng tốt (tăng trên 8,0%); 3 nhóm sản phẩm có khả năng tăng trưởng ở mức trung bình (từ 5-8,0%) và 9 nhóm sản phẩm có khả năng tăng trưởng ở mức thấp, giảm. Dự báo, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2017 của nhóm ngành sản xuất, phân phối điện tăng khoảng 12%, cao hơn mức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra là 11,5%.

Tháo gỡ khó khăn cho DN thông qua các chính sách về thuế, phí

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, việc đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2017 là 6,7% rất khó khăn, nhưng không phải không có khả năng thực hiện. “Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Công Thương, các bộ, ngành, các địa phương, các hiệp hội, doanh nghiệp rà soát thật kỹ tình hình sản xuất, đề ra các chỉ tiêu cụ thể của từng sản phẩm cụ thể theo từng quý và cả năm, theo dõi sát việc triển khai thực hiện, từ đó chỉ rõ sản phẩm nào tăng trưởng không đạt, sản phẩm nào sẽ có thể bổ sung, cũng như kịp thời đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn. Từ nay đến cuối năm phải điều hành theo từng chỉ tiêu tăng trưởng của từng sản phẩm cụ thể” - Phó Thủ tướng yêu cầu.

“Phải kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thông qua các chính sách về thuế, phí... để giúp cho các doanh nghiệp cắt giảm được chi phí, phát triển thị trường, cạnh tranh có hiệu quả với các sản phẩm nhập khẩu, đẩy mạnh được xuất khẩu, qua đó tăng trưởng được sản lượng sản xuất” - Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu phải tập trung giải quyết các dự án đang tồn đọng, các dự án còn vướng mắc để sớm tái khởi động, đưa vào khai thác sản xuất kinh doanh, phát huy nguồn lực đóng góp mạnh mẽ vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho năm 2017 và những năm tiếp theo.

Bên cạnh đó tăng cường các giải pháp đảm bảo thị trường bất động sản phát triển bền vững, lành mạnh, bởi đây là một nhân tố ổn định kinh tế vĩ mô. Theo Phó Thủ tướng, tuy thị trường bất động sản đang phát triển khá ổn định, nhưng tuyệt đối không được chủ quan. Trong thời gian tới, cần tiếp tục tăng cường vai trò kiểm soát, quản lý của Nhà nước, gắn phát triển bất động sản với quy hoạch, kế hoạch; với việc thực hiện chiến lược nhà ở quốc gia, đặc biệt là nhà ở xã hội; gắn với phát triển đô thị, phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế, khu du lịch nhưng phải cân đối được cung - cầu của nền kinh tế và của người dân.

Đối với một số ngành, lĩnh vực sản xuất cụ thể, Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương tập trung chỉ đạo rà soát, nâng cao hiệu quả, sản lượng các lĩnh vực khai khoáng, đặc biệt là dầu khí, than; ngành dầu khí đảm bảo khai thác thêm tối thiểu 1 triệu tấn dầu thô so với kế hoạch. Ngành may mặc, giày da, túi xách cần duy trì tăng trưởng cao (trên 10%). Đây là ngành sản xuất có tỉ lệ nội địa hóa cao (đạt gần 50%), sử dụng nhiều lao động, đang chiếm lĩnh thị trường nhiều nước trên thế giới. Ngành công nghiệp ôtô cần được khuyến khích để tăng tỉ lệ nội địa hóa, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Ngành cơ khí chế tạo, sản xuất thép, công nghiệp hóa chất, rượu bia, nước giải khát cần được tháo gỡ khó khăn để phát triển sản xuất

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn