MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sử dụng quá nhiều phân bón vừa lãng phí khiến giá thành sán xuất lúa tăng cao, vừa gây ô nhiễm môi trường. Ảnh minh họa: Vũ Long

Phải dừng việc lạm dụng phân bón, vừa lãng phí vừa ô nhiễm

Vũ Long LDO | 19/11/2021 21:03

Nông dân có thói quen sử dụng phân bón quá mức cần thiết, đã đến lúc phải mạnh dạn có những ứng phó mới trong hoàn cảnh bất thường.

Giảm 30-50% lượng phân bón vẫn cho hiệu quả, vì sao không làm?

Nhà giáo nhân dân - GS.TS Võ Tòng Xuân - một nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp khẳng định: Nông dân Việt Nam phần lớn phí phạm rất nhiều phân bón. Việc cắt giảm 50% đã được thực hiện thí nghiệm tại Đồng Tháp và kết quả rất khả quan. Thế nhưng, nông dân các nơi không làm.

Trao đổi với PV Lao Động chiều 19.11, ông Lê Thanh Tùng – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhấn mạnh: Giảm tỉ lệ sạ và giảm bớt tỉ lệ phân bón, hóa chất bảo vệ thực vật vẫn là bài toán đúng đắn để giảm chi phí sản xuất lúa trong bối cảnh hiện nay.

“Chúng ta đang đứng trước những bất thường thì phải ứng phó bất thường. Dễ hướng dẫn nhất là thông thường họ bón bao nhiêu thì bây giờ giảm 30-50% lượng phân trước đây đã từng bón. Như vậy có thể áp dụng trên diện rộng. Còn giải pháp bón thế nào để tránh thất thoát thì các nhà khoa học đã nói quá nhiều, tại sao nông dân không mạnh dạn áp dụng?” – ông Lê Thanh Tùng đặt câu hỏi.

Ông Lê Thanh Tùng khuyến nghị, các địa phương cần chủ động có các giải pháp để thích ứng tình hình, giúp nông dân giảm thấp nhất thiệt hại. Trong đó, cần tập trung hướng dẫn nông dân các giải pháp nhằm sử dụng phân bón tiết kiệm, hiệu quả, giảm sử dụng phân bón hóa học và tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ.

Dù thận trọng khi đưa ra các khuyến nghị, nhưng ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt cũng cho rằng có thể giảm lượng phân bón để góp phần giảm giá thành sản xuất.

"Có thể giảm khoảng 20%. Còn nếu giảm 50% thì cần phải có nghiên cứu, đánh giá" - ông Nguyễn Như Cường nói.

Giá phân bón tăng cao do nguyên liệu nhập khẩu liên tục “phi mã“. Ảnh: TL 

Phụ phẩm vứt đi, "đổ" tiền mua phân bón

Để giảm giá thành sản xuất, bên cạnh việc cắt giảm bớt lượng phân bón, nông dân cần khai thác hiệu quả nguồn phụ phẩm nông nghiệp của mình để giảm giá thành sản xuất, tăng lợi nhuận. Hiện, cả nước ta mỗi năm có hơn 150 triệu tấn các loại phụ phẩm trong nông nghiệp, đây là nguồn làm phân bón hữu cơ rất dồi dào. 

Theo Phó Cục trưởng cục Chăn nuôi Tống Xuân Chinh, ngành chăn nuôi với 61,4 triệu tấn phân gia súc, gia cầm nhưng hiện nay cũng chỉ tận dụng được 23% để sản xuất phân bón hữu cơ. Còn lại đang bị bỏ phí chưa tái sử dụng để ứng dụng trong chuỗi trồng trọt - chăn nuôi theo chuỗi liên hoàn, khép kín.

“Mỗi năm Việt Nam có khả năng sản xuất 43 triệu tấn thóc, theo đó sẽ có 43 triệu tấn rơm. Nhưng Việt Nam chỉ sử dụng được khoảng 23% sử dụng lại cho mục đích chăn nuôi, một phần sử dụng trong trồng trọt, còn đa phần là đang để phí, chưa tái sử dụng được” – ông Tống Xuân Chinh nói.

Bà Bùi Thị Hồng Hà - Trưởng phòng Vi sinh Nông nghiệp - Trung tâm Nông nghiệp Hữu cơ (Học viện Nông nghiệp Việt Nam -VNUA) cũng nêu ý kiến: Nếu nông dân để lại 100% rơm rạ tại ruộng và sạ thưa hơn thì có khả năng giảm được 50% lượng phân bón hóa học và 30-50% lượng thuốc bảo vệ thực vật. Điều này đã được chứng minh, một số vùng có thói quen mỗi vụ bón đến chín lần thuốc, thì nay cắt giảm chỉ còn từ 2-3 lần phun. Ðiều này vừa tránh lãng phí nguồn rơm rạ, vừa giảm áp lực lệ thuộc vào phân bón hóa học và các loại thuốc bảo vệ thực vật khác.

Theo tính toán của người trồng lúa, chi phí các nguyên liệu đầu vào như phân bón, thuốc trong sản xuất lúa thời gian gần đây lên rất cao, mức chi phí chênh lệch lên đến 5,4 triệu đồng. Ví dụ, vụ thu đông 2021-2022, tính sơ bộ chi phí phân, thuốc bảo vệ thực vật cho 1 hecta lúa chiếm khoảng 17,5 triệu đồng.

“Nếu giá lúa dao động từ 5.100-5.200 đồng/kg thì năng suất cần đạt từ 4,4-4,5 tấn/ha mới có thể hòa vốn, nếu muốn có lợi nhuận thì cần đạt trên 4,5 tấn/ha” – ông Nguyễn Văn Việt – xã Tân Mỹ, huyện Thành Bình (Đồng Tháp) tính toán.

Chính vì vậy, việc tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp sẽ hỗ trợ  nông dân vừa tiết kiệm chi phí để hạ giá thành sản phẩm, vừa bảo vệ môi trường.

Theo Bộ Công Thương, thời gian qua, giá phân bón, vật tư nông nghiệp vẫn tăng cao là do giá nguyên liệu đầu vào, chủ yếu là nhập khẩu và chi phí vận tải logistics do giãn cách xã hội tăng cao.


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn