MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Việt Nam đang nỗ lực để được EC gỡ thẻ vàng IUU vào năm 2022. Ảnh: TTXVN

Phải nhanh chóng gỡ "thẻ vàng", tuyệt đối không được để bị "thẻ đỏ"

Vũ Long LDO | 07/09/2021 22:03

Ngành thủy sản đang nỗ lực thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu, hướng tới mục tiêu được gỡ "thẻ vàng" vào năm 2022.

4 năm khắc phục khai thác IUU, vẫn chưa hết vi phạm

Theo Bộ NNPTNT, khi phạt "thẻ vàng" đối với khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), Liên minh Châu Âu (EC) đã đưa ra 9 khuyến nghị yêu cầu Việt Nam thực hiện.

Trong 4 năm qua, EC đã 2 lần cử Đoàn Thanh tra của Tổng vụ Các vấn đề về biển và thuỷ sản của EC (Đoàn Thanh tra của EC) sang Việt Nam để kiểm tra việc thực hiện.

Tại đợt thanh tra gần đây nhất (tháng 11.2019, năm 2020 do ảnh hưởng của COVID-19, Đoàn Thanh tra không sang Việt Nam được - PV), đánh giá cao và ghi nhận sự cam kết, quyết tâm chính trị và nỗ lực của Việt Nam trong việc chống khai thác bất hợp pháp IUU, triển khai các khuyến nghị của EC; khẳng định Việt Nam đã có nhiều tiến bộ so với đợt kiểm tra lần 1 (tháng 5.2018) và đang đi đúng hướng.

Trong đó, đặc biệt ghi nhận việc Việt Nam đã xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý bao gồm Luật Thủy sản 2017, 2 nghị định và các thông tư đã tạo nên cơ sở pháp lý toàn diện chống khai thác IUU phù hợp với các nghĩa vụ quốc tế; bước đầu đã tiến hành triển khai thực hiện các văn bản này trên thực tế...

Tuy nhiên, Đoàn Thanh tra của EC cũng chỉ ra nhiều hạn chế: Các văn bản quy phạm pháp luật ban hành chậm tiến độ so với cam kết; việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình là một trong những nội dung quan trọng để ngăn chặn và giảm thiểu khai thác IUU. Tuy nhiên việc giám sát tàu cá và sử dụng hệ thống giám sát tàu cá để thực thi pháp luật vẫn chưa được toàn diện, chưa đảm bảo thực hiện các chế tài xử phạt; Việc quản lý cường lực khai thác còn đáng quan ngại, việc tăng đội tàu sẽ xóa bỏ tất cả các nỗ lực quản lý nguồn lợi thủy sản một cách bền vững...

 Nỗ lực để gỡ được "thẻ vàng"

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), thực hiện các khuyến nghị của EC, trong 4 năm qua Việt Nam đang nỗ lực đẩy mạnh các giải pháp để được rút “thẻ vàng”.

Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đã, đang phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, các cấp, ngành, tỉnh, thành phố ven biển triển khai đồng bộ các giải pháp chống khai thác IUU, quyết tâm thực hiện mục tiêu gỡ “thẻ vàng” cho ngành Thủy sản Việt Nam.

Là một trong 28 tỉnh ven biển, tỉnh Nghệ An đã hỗ trợ kinh phí mua, lắp đặt, vận hành thiết bị giám sát hành trình và cước phí thuê bao dịch vụ cho thiết bị giám sát hành trình lắp đặt đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên theo quy định.

Tại tỉnh Khánh Hòa, theo ông Võ Khắc Én, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa, ngư dân đã có nhiều tiến bộ trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật, đặc biệt góp phần gỡ “thẻ vàng” của EC.

Từ tháng 10.2018 đến nay không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Bên cạnh đó, các tàu cá đã tuân thủ khá nghiêm túc việc khai báo khi rời cảng và cập cảng. Công tác kiểm tra, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác trên địa bàn đã đi vào nền nếp.

Theo ông Nguyễn Quang Hùng – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT), đề án phòng, chống khai thác IUU sẽ được xây dựng nhằm xử lý các vấn đề còn tồn tại và quyết tâm đạt mục tiêu là đến năm 2022 gỡ được “thẻ vàng” IUU và triển khai nghề cá bền vững, hiệu quả.

Đề án sẽ tập trung các giải pháp quyết liệt hơn, tăng cường tuần tra, thanh tra, kiểm soát tàu cá vi phạm tại vùng biển nước ngoài để tiến tới chấm dứt tình trạng này. Đặc biệt, đề án cũng đẩy mạnh truyền thông, nhất là truyền thông quốc tế, đàm phán, trao đổi, hội thảo… với các nước trong khu vực và EC để có những chia sẻ trong quản lý nghề cá bền vững.

Theo Bộ NNPTNT, sau 2 đợt kiểm tra thực tế việc thực thi các khuyến nghị của EC và các quy định của EC về phòng, chống khai thác IUU, phía EC tiếp tục đưa ra 4 nhóm khuyến nghị yêu cầu Việt Nam cần thực hiện để phòng, chống khai thác IUU, gồm: Khung pháp lý; theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá, quản lý đội tàu; Chứng nhận sản lượng và truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác; Thực thi pháp luật.

Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh COVID-19, phía EC đã không thể sang Việt Nam kiểm tra thực tế theo lịch hẹn vào tháng 6.2020 và đến nay cũng chưa sang kiểm tra được.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn