MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cây lúa “chịu” tới 3.321loại thuốc bảo vệ thực vật. Ảnh: A.C

Phải tăng 30% thuốc bảo vệ thực vật sinh học an toàn

Khánh Vũ LDO | 07/09/2018 06:36
Đó là ý kiến của ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) sáng 6.9. Trong lộ trình đặt ra, Bộ NNPTNT phấn đấu đến năm 2020, loại bỏ 30% thuốc BVTV khỏi danh mục; tăng 30% thuốc BVTV sinh học an toàn với con người và môi trường.

Cục BVTV đang nghiên cứu và tham mưu để Bộ NNPTNT xem xét, loại bỏ hoạt chất glyphosate đang bị coi là tác nhân gây ung thư cho người theo trên tinh thần “sức khỏe người dân là trên hết”.

Loại bỏ khoảng 2.000 loại thuốc BVTV cho lúa

Theo TS Hoàng Trung, hiện tại đối với lúa, mỗi cây lúa phải chịu tới 3.321 loại thuốc BVTV, nên nếu có phải loại bỏ tới 2.000 loại thuốc cũng không ảnh hưởng. Ngoài ra, các cây trồng khác như rau, quả cũng phải chịu đến hàng trăm loại.

“Riêng đối với rau cũng phải chịu tới 260 loại sản phẩm thuốc BVTV. Sở dĩ như vậy bởi mỗi loại rau phải có tới 2-3 loại sâu bệnh, cần phải sử dụng đến nhiều loại thuốc mới bảo vệ được mùa màng, cây trồng. Đối với cây lấy quả như điều, hồ tiêu, càphê cũng phải chịu tới hàng chục loại thuốc BVTV/giống cây. Do đó, việc loại bỏ bớt các nhóm thuốc BVTV là hoàn toàn cần thiết. Nếu như tới đây Bộ NNPTNT xem xét loại bỏ chất glyphosate khỏi danh mục được phép sử dụng cũng là loại bỏ được 600 thuốc BVTV” - TS Hoàng Trung cho biết thêm.

TS Hoàng Trung cho rằng, đối với hoạt chất glyphosate được sử dụng tại Việt Nam từ năm 1994. Trong những năm qua, lượng glyphosate sử dụng ở Việt Nam rất lớn, mỗi năm khoảng 30.000 tấn, chiếm 30% lượng thuốc bảo vệ thực vật nói chung và chiếm 60% trong nhóm thuốc diệt trừ cỏ. Glyphosate đã bị cấm đăng ký mới từ năm 2015 kể từ khi EU đưa ra một số ý kiến gây tranh cãi về tính an toàn của loại hóa chất BVTV này.

“Vừa qua, một tòa án tại bang California (Mỹ) đã đưa ra phán quyết cho rằng Glyphosate là tác nhân gây ung thư. Cục BVTV sẽ thu thập thêm thông tin và tham mưu với Bộ NNPTNT trên tinh thần lấy sức khỏe người dân làm gốc để cân nhắc việc loại bỏ hoạt chất này khỏi danh mục sử dụng.

Cuối tháng 8 vừa qua, Bộ NNPTNT cũng đã loại bỏ 4 loại hóa chất khỏi danh mục sử dụng. Hiện nay riêng thuốc diệt cỏ cũng có tới 77 hoạt chất, trong đó có nhiều hoạt chất có cơ cấu, cơ chế hoạt động tương tự glyphosate, nên có thể thay thế được mà không sợ ảnh hưởng đến cơ cấu nhập khẩu thuốc BVTV” - TS Hoàng Trung khẳng định, đồng thời cho rằng, thông tin cho rằng, hoạt chất thuốc BVTV lên tới 1.700 là không chính xác, mà thực chất chỉ có 385 hoạt chất đơn, còn lại trên 1.000 hoạt chất là hỗn hợp pha trộn.

Những hỗn chất này đang tiếp tục được rà soát, xem xét để loại bỏ bớt nếu gây tổn hại đến sức khỏe con người và môi trường” - TS Hoàng Trung khẳng định. Nếu như những hóa chất không hiệu quả hoặc gây hại cho sức khỏe con người, môi trường, “vặt bớt” sự cồng kềnh, đồ sộ của các “đầu” thuốc BVTV vốn đang “bị lạm dụng” ở VN.

Về vấn đề này, TS Trắc Khương Lai - giảng viên BVTV, Trường Đại học Nông Lâm TPHCM cũng nêu quan điểm ủng hộ việc loại bỏ các hoạt chất BVTV có độc tính để xây dựng một nền nông nghiệp sạch, an toàn. “Chúng ta nên khuyến khích sử dụng các sản phẩm gốc hữu cơ, sinh học để hạn chế tác hại cho môi trường, an toàn cho người sử dụng” - TS Trắc Khương Lai nhấn mạnh.

Loại bỏ 4 hóa chất BVTV độc hại khỏi danh mục

Theo Cục trưởng Cục BVTV Hoàng Trung, mới đây, ngày 28.8, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh đã ký Quyết định số 3435/QĐ-BNN-BVTV loại bỏ thêm thuốc BVTV chứa 4 hoạt chất Acephate, Diazinon, Thalathion, Zine phosphide ra khỏi Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam. Theo đó, sau 60 ngày kể từ ngày Quyết định số 3435 được ký, các loại thuốc BVTV chứa 4 hoạt chất trên không được phép nhập khẩu và chỉ được buôn bán, sử dụng tối đa 1 năm kể từ ngày quyết định này có hiệu lực.

“Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ngừng toàn bộ các thủ tục đăng ký thuốc BVTV có chứa 4 hoạt chất nêu trên kể từ ngày quyết định này có hiệu lực. Theo quy định chung, quyết định sẽ có hiệu lực sau 60 ngày kể từ ngày ký, việc nhập khẩu (NK) các hóa chất BVTV có các hoạt chất trên sẽ bị chấm dứt. Các thuốc đã NK về trước đó sẽ được phép sử dụng thêm 1 năm, sau đó các cơ quan NK phải thu gom, tiêu hủy, không để thuốc tồn tại trên thị trường.

Đây là quyết tâm lớn của ngành nông nghiệp, trong khi các nước khác như Mỹ cho phép thời gian lưu hành thuốc đã NK 5-6 năm, Trung Quốc cho phép 3-5 năm, thì Việt Nam chỉ được phép lưu hành 1-2 năm sau khi có quyết định cấm NK” - ông Hoàng Trung nhấn mạnh.

Nhằm tiến tới một ngành nông nghiệp sạch, trên cơ sở loại bỏ những hoạt chất gây hại, ngành nông nghiệp phấn đấu đến năm 2020, tăng lượng phân bón hữu cơ sản xuất công nghiệp để sử dụng trong nước ít nhất là 3 triệu tấn/năm và xuất khẩu đạt 0,5 triệu tấn/năm; tăng tỉ lệ sản phẩm phân bón hữu cơ so với tổng số sản phẩm phân bón từ 5% hiện nay lên 10%; rút ngắn 30% số lượng tên thương phẩm trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam; tăng 30% lượng thuốc BVTV sinh học được đăng ký và sử dụng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn