MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Anh Trí kiểm tra các cây nấm trưởng thành. Ảnh: Thanh Tuấn

Phải thuê người để canh trộm vườn nấm linh chi đỏ ở Gia Lai

THANH TUẤN LDO | 23/08/2023 18:04

Linh chi đỏ, một loại nấm dược liệu có giá trị cao trên thị trường đang được trồng thử nghiệm một số nơi tại tỉnh Gia Lai phù hợp với điều kiện khí hậu. Tuy nhiên, khi cây nấm phát triển tốt thì người trồng nấm cũng lo ngại việc bị mất trộm, phải thuê người để canh giữ.

Những cơn mưa nặng hạt khiến cánh rừng keo, tràm càng thêm ẩm thấp, tỏa hơi lạnh cho vườn nấm linh chi đỏ vươn lên.

Anh Đào Minh Trí, người dân TP Pleiku cho biết, nấm linh chi đỏ đang được các nhà đầu tư “phố núi” kỳ vọng mang lại hiệu quả kinh tế dưới tán rừng.

Đây là hướng đi mới mẻ khi giá của nhiều loại cây nông sản chủ lực ở Tây Nguyên chưa mang lại lợi nhuận tương xứng.

Cây nấm linh chi đỏ. Ảnh: Thanh Tuấn

Nấm linh chi đỏ có tác dụng tốt cho sức khỏe, phòng chống bệnh tật, được thị trường các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc ưa chuộng. Tuy nhiên, để đầu tư trồng loại dược liệu này khá tốn kém, cần nguồn vốn lớn. Trung bình một ha đất dưới tán rừng phải đầu tư tiền phôi giống, hệ thống tưới, công chăm sóc khoảng 1,4 tỉ đồng/ha.

Nấm linh chi đỏ phù hợp trồng dưới tán rừng keo ẩm thấp, không khí trong lành, nước sạch, người trồng nấm theo hướng hữu cơ, không dùng phân bón. Do rừng keo nằm nơi ít người qua lại, vắng vẻ nên người dân cũng lo ngại bị mất trộm nấm.

Người dân canh trộm vườn nấm linh chi đỏ. Ảnh: Thanh Tuấn

“Mới đây, trộm vào vườn nấm tìm chọn bẻ hái những cây nấm trưởng thành. Mình phải thuê người canh giữ vườn nấm cả ngày lẫn đêm, có thể lắp thêm camera để theo dõi”, anh Trí cho biết.

Tính trung bình diện tích 1ha, nấm linh chi đỏ thu hoạch được 3 lần/năm, vụ đầu bán ra thu về khoảng 800 triệu đồng, vụ thứ 2 giá 900 triệu đồng, vụ thứ 3 giá 700 triệu đồng. Tùy theo tính dược liệu có trong nấm để chọn giá bán phù hợp.

Tại huyện Kbang, nơi có độ che phủ rừng lớn trong khu vực Tây Nguyên hiện nay, chính quyền các xã, hợp tác xã nông nghiệp, người dân… đang tìm đến các vườn nấm linh chi đỏ dưới tán rừng để học hỏi mô hình, tìm hướng đi mới thoát nghèo.

Dược liệu dưới tán rừng sẽ mang lại lợi nhuận cho người dân miền núi. Ảnh: Thanh Tuấn

Tuy nhiên, theo UBND huyện Kbang, nguồn lực, kỹ thuật, nguồn vốn của người nông dân còn thấp, không còn cách nào khác ngoài việc liên kết trồng nấm linh chi đỏ với các doanh nghiệp, hợp tác xã và phải được ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm.

Người dân có đất, có rừng, có cây keo, chỉ cần liên kết để trồng thêm nấm dưới tán rừng sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

“1ha cây keo bán đi, người nông dân bỏ túi chừng 60 triệu đồng/năm. Còn trồng nấm linh chi đỏ, với giá thành hiện tại (3-4 triệu đồng/kg nấm khô), mỗi năm người dân thu lời hàng trăm triệu đồng là chuyện bình thường”, anh Đào Minh Trí chia sẻ.

Hiện nay, các doanh nghiệp ở tỉnh Gia Lai đang xuất khẩu nông sản cà phê, hồ tiêu, chè… ra thị trường các nước liên minh Châu Âu theo Hiệp định EVFTA. Dược liệu ở Gia Lai cũng đa dạng như: cà gai leo, sâm dây, đinh lăng…

Trung tâm Lâm nghiệp nhiệt đới (trực thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên - Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) đang nghiên cứu, nhân rộng mô hình trồng nấm linh chi đỏ.

Nếu thành công với cây nấm linh chi đỏ, mở rộng liên kết, người nông dân có cơ hội để mang dược liệu đi xuất khẩu ra các thị trường, mang lại lợi nhuận lớn cho nông dân Tây Nguyên vừa bảo vệ được rừng và đa dạng sinh học dưới tán rừng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn