MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh hoạ: Hải Nguyễn

Phân hoá mạnh, yếu trong bức tranh lợi nhuận của các ngân hàng

Minh Ánh LDO | 04/09/2023 17:21

Báo cáo tài chính bán niên 2023 của các ngân hàng cho thấy, sự phân hóa về triển vọng lợi nhuận giữa các nhóm ngân hàng ngày càng rõ rệt.

Vietcombank đứng đầu về lợi nhuận trước thuế

Theo báo cáo tài chính bán niên 2023, Vietcombank tiếp tục là quán quân với lợi nhuận trước thuế, với giá trị ghi nhận ở mức gần 20.500 tỉ đồng.

Đứng vị trí á quân là BIDV với hơn 13.347 tỉ đồng, tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2022.

Vẫn trong top các ngân hàng có lợi nhuận, nhưng VPBank đã tụt từ vị trí á quân của 6 tháng năm 2022 xuống vị trí thứ 10 trong 6 tháng năm 2023. Theo đó, lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm nay của ngân hàng này đạt hơn 7.897 tỉ đồng, giảm mạnh từ mức 15.190 tỉ đồng của cùng kỳ năm trước.

Theo giải trình, lợi nhuận của ngân hàng này giảm mạnh chủ yếu do không có khoản thu nhập bất thường từ phí trả trước bảo hiểm của AIA như năm ngoái trong khi đó phải tăng gần 33% trích lập dự phòng rủi ro.

Trong khi đó, ở các nhóm ngân hàng có quy mô nhỏ, lợi nhuận giảm mạnh.

Cụ thể, luỹ kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của ABBank đạt gần 679 tỉ đồng, mới đạt được 24% so với kế hoạch lợi nhuận cả năm (2.826 tỉ đồng).

LPBank cũng đã công bố báo cáo tài chính, ghi nhận lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận ngân hàng đạt 2.446 tỉ đồng. Trong khi đó, quý II/2023 lợi nhuận chỉ ở mức 880 tỉ đồng.

Ngân hàng tăng cường trích lập dự phòng rủi ro

Theo các ngân hàng, nguyên nhân khiến lợi nhuận sụt giảm mạnh do nợ xấu gia tăng, các ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro. Ngoài ra, còn có nguyên nhân do tình hình nền kinh tế có nhiều biến động, lãi suất cho vay có xu hướng giảm trong khi lãi suất huy động kỳ hạn dài vẫn ở mức tương đối cao, khiến chi phí lãi tăng mạnh nửa đầu năm, từ đó khiến thu nhập lãi thuần sụt giảm.

Trong bối cảnh, nhiều ngân hàng cũng đang trích lập dự phòng khá mạnh, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế chậm lại, tín dụng tăng trưởng chậm nên dễ khiến lợi nhuận của các ngân hàng tăng trưởng chậm, thậm chí sụt giảm.

Ông Nguyễn Minh Tuấn - Tổng Giám Đốc của AFA Capital - nhận định: Hoạt động xử lý nợ xấu để thu hồi vốn của các ngân hàng đang tiếp tục gặp khó khăn do thị trường bất động sản đóng băng. Trong khi đó, bất động sản lại là tài sản bảo đảm chính cho phần lớn các khoản vay. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến nợ xấu của các ngân hàng gia tăng.

Các chuyên gia tài chính vẫn kỳ vọng, trong 2 quý còn lại của năm 2023, lợi nhuận của các ngân hàng sẽ đạt được mục tiêu đề ra, do lãi suất cho vay giảm sẽ là yếu tố kích cầu tăng trưởng tín dụng.

Các nhà phân tích thuộc Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo lợi nhuận trước thuế toàn ngành năm 2023 có thể tăng trưởng không bằng năm ngoái, nhưng sẽ tăng trưởng khoảng 10%.

Ngoài ra, VCBS dự báo sự phân hóa về triển vọng lợi nhuận giữa các nhóm ngân hàng sẽ tiếp tục diễn ra và sẽ tiếp tục mạnh mẽ hơn trong năm 2024.

Theo đó, nếu trong trường hợp thị trường bất động sản và kinh tế vĩ mô hồi phục chậm, lợi nhuận các ngân hàng thuộc nhóm quy mô nhỏ sẽ tiếp tục giảm tốc, thậm chí tăng trưởng âm.

Ngược lại, ngân hàng có bộ đệm mạnh hay những ngân hàng có kế hoạch tăng vốn trong năm nay, sẽ là những ngân hàng có động lực tăng trưởng mạnh. Nhóm này được kỳ vọng sẽ có mức tăng trưởng lợi nhuận vượt bình quân ngành, ở mức 18 - 20%.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn