MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao ở đồng bằng sông Cửu Long

Văn Sỹ LDO | 07/04/2023 21:10

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Lê Minh Hoan, đừng xem Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long là của Chính phủ, của Bộ NNPTNT mà là của tất cả mọi người để từ đó, có sự cộng hưởng, thực hiện hiệu quả.

Đó là nhấn mạnh của Bộ trưởng Lê Minh Hoan tại Hội thảo Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long (Đề án) được tổ chức vào chiều ngày 7.4 tại tỉnh Hậu Giang. 

 Nông dân Hậu Giang thu hoạch lúa đông xuân 2022-2023. Ảnh: Văn Sỹ

Theo Bộ NNPTNT, Đề án này phù hợp chủ trương, chính sách, kế hoạch của Nhà nước về giữ vững vai trò lúa gạo làm nòng cốt bảo đảm an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống; bảo vệ và sử dụng hiệu quả quỹ đất trồng lúa và phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

 Mô hình "lúa thơm tôm sạch" ở Bạc Liêu. Ảnh: Văn Sỹ

Đồng thời, Đề án còn phát triển đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng, dịch vụ trong chuỗi giá trị lúa gạo gắn với đổi mới tổ chức sản xuất - tiêu thụ lúa trên cơ sở liên kết giữa nông dân thông qua hợp tác xã, các tổ chức nông dân với doanh nghiệp và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến phát triển ngành lúa gạo.

Huy động nguồn lực tổng hợp của Nhà nước và các tác nhân trong chuỗi giá trị lúa gạo và phương thức hợp tác công tư, hợp tác quốc tế. Nhà nước có chính sách đặc thù, ưu tiên về đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, khoa học công nghệ và khuyến nông, khuyến khích nông dân và doanh nghiệp liên kết.

 Nông dân Sóc Trăng thu hoạch lúa. Ảnh: Văn Sỹ

Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, Bộ không thể đi một mình được mà cần sự đồng hành của chính quyền các cấp, doanh nghiệp, truyền thông, nông dân mới thực hiện có hiệu quả Đề án. 

Trong đó, cần sự tích cực trao đổi, đóng góp thống nhất các nội dung, chỉ tiêu và giải pháp thiết thực để triển khai thực hiện, khi Đề án được Chính phủ thông qua và tổ chức thực hiện sẽ góp phần nâng cao thu nhập và vị thế cho người trồng lúa.

 Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Văn Sỹ

Dự thảo Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long” đặt ra mục tiêu chung là hình thành vùng chuyên canh sản xuất lúa chất lượng cao với hệ thống sản xuất được tổ chức theo chuỗi giá trị.

Áp dụng các tiêu chuẩn bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính; nâng cao hiệu quả hệ thống sản xuất kinh doanh, thu nhập người trồng lúa, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; ổn định xã hội và nâng cao chất lượng, uy tín sản phẩm gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.

 Nông dân Hậu Giang tỉa dặm lúa hè thu. Ảnh: Văn Sỹ

Một số mục tiêu cụ thể mà dự thảo Đề án đưa ra như: Đến năm 2025 diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa đạt 500.000 ha với sản lượng khoảng 6,3 triệu tấn lúa; đến năm 2030, diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa toàn vùng đạt 1 triệu ha với sản lượng 13 triệu tấn lúa.

Đề án sẽ được triển khai tại 12 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long với tổng diện tích khoảng 1 triệu ha chuyên canh lúa đến năm 2030 gồm An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An, Sóc Trăng, Cần Thơ, Bạc Liêu, Trà Vinh, Hậu Giang, Cà Mau, Tiền Giang và Vĩnh Long.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn