MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phát triển vùng trung du và miền núi Bắc Bộ theo lợi thế vùng, tăng trưởng xanh. Ảnh: Vũ Long

Phát triển bền vững vùng trung du và miền núi Bắc Bộ theo hướng "xanh"

Vũ Long LDO | 27/08/2022 13:28
Nghị quyết số 11-NQ-TW đặt mục tiêu phát triển vùng trung du và miền núi Bắc Bộ tăng trưởng bền vững, là hình mẫu tăng trưởng xanh của cả nước. 

Triển khai hiệu quả, thực chất Nghị quyết 11-NQ/TW

Sáng 27.8.2022, tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10.2.2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn đã công bố Nghị quyết số 96/NQ-CP ngày 1.8.2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10.2.2022 của Bộ Chính trị; Công bố Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 23.8.2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Hội đồng điều phối vùng trung du và miền núi phía bắc.

Chương trình hành động của Chính phủ đã xác định các mục tiêu và 21 chỉ tiêu cụ thể về phát triển kinh tế, xã hội, môi trường của vùng đến năm 2030, trong đó có một số mục tiêu, chỉ tiêu quan trọng như: Tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt khoảng 8-9%; quy mô kinh tế Vùng đến năm 2030 đạt 2.100 nghìn tỉ đồng: GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 140 triệu đồng/năm; tỉ lệ hộ nghèo đa chiều giảm bình quân 2-3%/năm, 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, tỉ lệ che phủ rừng khoảng 54-55%... 

Đảng và Chính phủ đặt mục tiêu phát triển vùng trung du và miền núi Bắc Bộ theo hướng bền vững, là hình mẫu tăng trưởng xanh của cả nước. Ảnh: Đ.Trung

Phấn đấu đến năm 2045, vùng trung du và miền núi Bắc Bộ là vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện, là hình mẫu phát triển xanh của cả nước, trong đó có khoảng 50% số tỉnh nằm trong nhóm các tỉnh phát triển khá; bản sắc văn hóa các dân tộc được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc..

Đầu tư, phát triển bền vững theo hướng kinh tế tuần hoàn

Theo Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, vùng trung du và miền núi Bắc Bộ có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế-chính trị, văn hóa-xã hội và quốc phòng - an ninh và đối ngoại của cả nước; là địa bàn giàu tiềm năng, lợi thế về kinh tế nông nghiệp, lâm nghiệp, khoáng sản, thủy điện, du lịch, kinh tế biên mậu...; là “phên dậu” của Tổ quốc, là ‘‘lá phổi“ có vai trò đặc biệt quan trọng đối với môi trường sinh thái của cả vùng Bắc Bộ. 

Phát triển kinh tế nhanh, bền vững với trọng tâm là đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghệ và chuyển đổi số; phát triển các ngành, lĩnh vực có thế mạnh và tiềm năng của vùng; đồng thời, tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, đất đai, bảo vệ môi trường, ứng phó thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNN) Lê Minh Hoan cho rằng, về kinh tế sinh thái nông nghiệp bền vững luôn được quan tâm hàng đầu tại các địa phương. Những gợi ý từ các tổ chức quốc tế cho thấy, khả năng về việc nông dân, người dân tộc, người dân địa phương có thể cùng tham gia với các cơ quan quản lý để cùng chia sẻ trách nhiệm và quyền lợi đối với diện tích có tài nguyên, thiên nhiên có rừng bao phủ. Mỗi địa phương trong vùng cần xác định phát huy thế mạnh nông nghiệp cho riêng mình tùy theo điều kiện của địa phương để phát huy tối đa giá trị của mình.

"Những gợi ý về con đường “nông sản hạnh phúc”, “nông nghiệp hạnh phúc” là cách thức hay để xây dựng tạo dựng được những đặc thù cho phát triển nông nghiệp như cách Hà Giang đã và đang làm" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cũng nhấn mạnh: Cần tập trung nguồn lực phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, nhằm tạo động lực tăng trưởng cho vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Theo đó, tạo điều kiện để thu hút được nguồn lực, kết hợp nguồn vốn Trung ương và địa phương, kêu gọi nguồn lực đầu tư từ xã hội, mời các nhà đầu tư tư nhân đầu tư dự án quan trọng, phát triển đường cao tốc. Trong đó, sẽ cố gắng nâng cấp cao tốc Hà Nội - Lào Cai, đặc biệt là đoạn Yên Bái - Lào Cai, để hình thành được một con đường kết nối toàn vùng.

Cùng với đó, nghiên cứu cao tốc Mộc Châu - Điện Biên, Hà Nội - Sơn La, Hà Nội - Hà Giang… các tuyến đường kết nối với cảng Lạch Huyện, kết nối với các cửa khẩu quốc tế để kết nối giao thương. Đồng thời, hình thành được trục xương sống kết nối cảng biển, kết nối Trung Quốc, kết nối các địa phương trong vùng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn