MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
HTX Dịch vụ nông nghiệp nuôi trồng thủy sản xã Gành Dầu, TP Phú Quốc hiện đang phát triển hiệu quả nuôi trồng kết hợp du lịch. Ảnh: Nguyên Anh

Phát triển biển bền vững, hướng đi nào đẩy mạnh nuôi biển tại Việt Nam

Phan Anh LDO | 25/11/2023 14:15

Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) đã ban hành nhiều chính sách, chương trình để thúc đẩy nuôi biển phát triển. Nhờ vậy, một số bộ phận hỗ trợ ngành công nghiệp nuôi biển đã bước đầu được hình thành ở Việt Nam, tuy nhiên còn đối diện nhiều khó khăn.

Nuôi biển còn rất nhiều dư địa

Báo cáo của Cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) cho thấy, năm 2022, diện tích nuôi biển của nước ta đạt hơn 256.000ha, sản lượng đạt gần 750.000 tấn; năm 2023, sản lượng có thể đạt gần 800.000 tấn.

Diện tích vùng biển Việt Nam có trên 1 triệu km2, trong khi đó diện tích nuôi biển mới chỉ chiếm khoảng hơn 20% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản cả nước. Nuôi biển còn rất nhiều dư địa để phát triển, nhưng đến nay vì nhiều lý do cả chủ quan và khách quan nên nuôi biển chưa khai thác hết tiềm năng và lợi thế tự nhiên vốn có.

Về tình hình phát triển giống và thức ăn cho nuôi biển, ông Trần Công Khôi, Trưởng phòng Giống và Thức ăn thủy sản, Cục Thủy sản cho biết, diện tích nuôi trồng nhuyễn thể là lớn nhất với 57.000ha, 1 triệu m3 lồng bè, sản lượng đạt 480.000 tấn.

Về phục vụ nuôi biển, có 764 cơ sở sản xuất thức ăn cho nuôi biển, trong đó có hơn 100 cơ sở sản xuất thức ăn hỗn hợp, chiếm hơn 20%. Tổng sản lượng thức ăn hỗn hợp là khoảng 35.000 tấn trong khi thức ăn tươi sống khoảng 46.000 tấn. Tôm hùm giống đang phụ thuộc nhiều vào nguồn tôm nhập khẩu từ Indonesia, Philippines, Myanmar, Sri Lanka, Singapore.

Tôm là mặt hàng thuỷ sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Ảnh: Nhật Hồ

Còn nhiều khó khăn và thách thức

Tuy còn dư địa nhưng ngành nuôi biển vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là phát triển nuôi biển công nghiệp như: Quy hoạch và thực hiện quy hoạch nuôi biển chưa tốt; hoạt động nuôi tự phát, phá vỡ quy hoạch còn phổ biến dẫn đến ô nhiễm môi trường; tiêu thụ sản phẩm khó khăn, khó phát triển đồng bộ. Công nghệ sản xuất giống, quản lý sức khỏe và môi trường vùng nuôi; phòng trị bệnh trên đối tượng nuôi còn nhiều hạn chế; hạ tầng phục vụ nuôi biển công nghiệp; phát triển công nghiệp hỗ trợ; công nghệ thu hoạch và vận chuyển; công nghệ chế biến và phát triển thị trường...

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, đây là một lĩnh vực có rất nhiều tiềm năng của Việt Nam với diện tích mặt biển trên 1 triệu km2. Hiện nay, nuôi biển đã hình thành được một số vùng nuôi công nghiệp, tuy nhiên nuôi biển hiện vẫn còn bộc lộ hàng loạt hạn chế, bất cập như: Chưa chủ động được con giống, chất lượng con giống kém chất lượng, không rõ nguồn gốc.

Về thức ăn, vẫn dùng cua, cá là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, quy mô nuôi còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa có quy hoạch tổng thể, điều này tạo ra khó khăn cho giao mặt nước biển, thu hoạch, chế biến cũng chưa tạo ra giá trị gia tăng lớn. Do đó, cần phải chuyển từ tư duy nuôi trồng, khai thác thủy sản theo phương thức truyền thống sang công nghiệp, ứng dụng khoa học - công nghệ cao, góp phần bảo vệ môi trường biển, tập trung chế biến, mở rộng thị trường, nhằm thúc đẩy nghề nuôi biển ở nước ta phát triển bền vững...

Một hộ nuôi cá lồng bè ở Cát Bà, Hải Phòng. Ảnh: Đại An

Cần phát triển đa mục đích trên cùng một diện tích mặt nước

Ông Trần Đình Luân - Cục trưởng Cục Thủy sản cho rằng để phát triển nuôi biển, cần phát triển đa mục đích trên cùng một diện tích mặt nước, bên cạnh đó tăng cường xử lý, xử phạt các vi phạm về khai thác, sử dụng mặt nước và xây dựng các mô hình hợp tác hiệu quả hơn.

"Về nhu cầu sử dụng mặt biển để nuôi trồng thủy sản, Bộ NNPTNT đã có văn bản gửi chủ tịch UBND các tỉnh. Trong quy hoạch đó cần có không gian nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi biển. Hiện nay, nhiều nơi có tư duy đã phát triển làm du lịch thì không phát triển nuôi trồng thủy sản. Như vậy chúng ta có một miếng đất nhưng chỉ làm được một việc trong khi có thể làm được nhiều việc và phát huy hiệu quả kinh tế tốt" - ông Luân cho hay.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Cục trưởng Cục Thủy sản cho rằng mặt biển phải được quy hoạch, các hộ nuôi phải được đăng ký và cấp tọa độ một cách phù hợp: "Mật độ lồng nuôi phải theo quy định, quy chuẩn đã có hướng dẫn. Chính quyền địa phương, cơ sở nuôi cũng phải chung tay vì phát ra một biểu đơn đăng ký thì dễ nhưng xuống địa phương không làm được".

Ngày 25.11, tại TP Nha Trang, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Khánh Hòa, Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Hội nghị thực trạng cung ứng con giống, thức ăn, vật tư nuôi biển; truy xuất nguồn gốc sản phẩm và giải pháp phát triển bền vững nuôi biển Việt Nam.

Tham dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa, đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ NNPTNT; các bộ, ngành, địa phương; các hiệp hội ngành hàng, tổ chức quốc tế; doanh nghiệp, các hộ nuôi trồng thủy sản.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn