MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phát triển du lịch nông nghiệp khu vực đồng bằng sông Cửu Long cần gắn với chương trình trình OCOP. (Ảnh minh họa)

Phát triển du lịch nông nghiệp khu vực ĐBSCL gắn với Chương trình OCOP

M.M LDO | 25/12/2019 15:43

Theo Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương, định hướng ưu tiên cho phát triển du lịch gắn với khai thác lợi thế nông nghiệp, nông thôn hướng phát triển bền vững đang góp phần triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam và Chương trình xây dựng nông thôn mới của Chính phủ.

Theo Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, để phát triển du lịch nông nghiệp khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gắn với Chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm), cần thập trung vào 7 vấn đề:

Một là, các địa phương của vùng ĐBSCL cần tổ chức rà soát quy hoạch, xác định rõ thế mạnh để phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn riêng của từng địa phương trong quy hoạch chung của cả vùng. Trong đó, quy hoạch phát triển du lịch nông thôn phải gắn với chính sách phát triển nông thôn mới của vùng; xây dựng bản đồ du lịch nông thôn trong đó chỉ ra các khu vực có khả năng phát triển sản phẩm nông thôn đặc trưng trên cơ sở liên kết hình thành tuyến du lịch.

Ngành du lịch và nông nghiệp cần phối hợp điều tra, khảo sát hoạt động du lịch nông nghiệp tại địa phương để đánh giá toàn diện thực trạng phát triển cũng như khuyến nghị mô hình phát triển du lịch nông nghiệp phù hợp và các chính sách hỗ trợ tương xứng...

Du lịch sinh thái vùng ĐBSCL. Ảnh: PV

Hai là, các địa phương cần đẩy mạnh tính liên kết vùng để phát triển các sản phẩm du lịch nông thôn đặc trưng. Việc xác định các sản phẩm chủ đạo, đặc trưng, có tính khác biệt, điểm nhấn của mỗi địa phương là điều hết sức quan trọng. Để phát huy thế mạnh của vùng, cần có sự điều phối chung của vùng trong việc nghiên cứu sản phẩm và khai thác thị trường.

Ba là, thực hiện một số chính sách nhằm thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân để phát triển du lịch nông thôn của từng vùng đặc biệt là các sản phẩm du lịch chất lượng cao, khai thác đồng thời giá trị nông nghiệp và phát triển du lịch; sử dụng lao động là người địa phương; các hoạt động du lịch có tính chất cộng đồng; các dự án sản xuất hàng hóa và dịch vụ của khu vực nông thôn vào tiêu dùng du lịch.

Bốn là, phát triển nguồn nhân lực cho phát triển du lịch nông thôn. Cán bộ ngành du lịch, đặc biệt là cấp cơ sở cần được nâng cao trình độ, kỹ năng, nhất là năng lực trong tham mưu xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, được tiếp cận tri thức, công nghệ mới trong xúc tiến, quảng bá, truyền thông. Đối với các hộ dân làm du lịch cộng đồng, cần bổ sung vốn kiến thức về văn hóa bản địa, tăng cường đào tạo cung cách, kỹ năng phục vụ du lịch...

Năm là, các địa phương trong vùng cần đổi mới và xây dựng kế hoạch hoàn chỉnh cho quảng bá cho du lịch nông thôn trên cơ sở giá trị đặc trưng, nổi bật của từng địa phương, từng vùng và nhu cầu thị trường. Sản phẩm du lịch nông thôn phải gắn với các sản vật được sản xuất tại địa phương, gắn với chương trình OCOP, thương hiệu của địa phương, của từng vùng. Tăng cường các hành động tập thể nhằm xây dựng chuỗi giá trị cạnh tranh và bao trùm trên cơ sở liên kết với thế mạnh nông nghiệp của vùng. Các doanh nghiệp lữ hành cần phối hợp các địa phương có điểm đến nghiên cứu thị trường, định hướng nhu cầu, thúc đẩy đầu tư, phát triển sản phẩm, tiếp thị, quảng bá thu hút khách…

Sáu là, chú trọng công tác điều phối vùng và quản lý điểm đến. Thực hiện công tác điều phối giữa các địa phương trong vùng phát triển du lịch nông thôn bền vững. Quản lý chất lượng dịch vụ lồng ghép những yếu tố về bảo tồn văn hóa và cam kết bảo đảm chất lượng dịch vụ giữa các nhà cung ứng dịch vụ với các doanh nghiệp lữ hành. Cần xây dựng tiêu chí đánh giá và hỗ trợ hình thành các mô hình trang trại du lịch kiểu mẫu (farmstay) trên cơ sở xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp - du lịch.

Bảy là, các địa phương cần xây dựng kế hoạch và triển khai chương trình hỗ trợ đưa sản phẩm OCOP vào tiêu dùng du lịch. Sản phẩm nông nghiệp phải được hướng dẫn sản xuất và công nhận tiêu chuẩn chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ; công nghệ chế biến; mẫu mã, bao bì đẹp được kiểm định và đảm bảo. Nghiên cứu nhu cầu thị trường, đẩy mạnh tiêu dùng du lịch thông qua các sản phẩm dược liệu, thực phẩm chức năng, chăm sóc sức khỏe; hàng tiêu dùng đặc sản địa phương làm quà tặng, đồ lưu niệm...

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn