MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngân hàng được đánh giá là một trong những ngành dẫn đầu trong chiến lược chuyển đổi số. Ảnh: B.K

Phát triển hạ tầng là yêu cầu hàng đầu khi chuyển đổi số

Lam Duy LDO | 23/12/2020 15:39

Việc tập trung phát triển hạ tầng số làm nền tảng cho phát triển kinh tế số, xã hội số là nhiệm vụ hàng đầu trong chiến lược chuyển đổi số.

Theo đánh giá của ông Trần Minh Tuấn – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược thông tin và truyền thông (Bộ TTTT), hạ tầng số là hạ tầng viễn thông cộng thêm nền tảng điện toán đám mây. Việt Nam phải làm chủ được hạ tầng số. Hạ tầng số phục vụ Chính phủ số là một thành phần quan trọng trong Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông.

Các thành phần của hạ tầng số phục vụ chính phủ số liên quan và tác động lẫn nhau, như kết nối liên thông phải đi cùng chia sẻ dữ liệu và phải được đảm bảo bởi pháp luật. Công tác xây dựng hạ tầng số là việc cần kiên trì, sự tham gia của toàn bộ hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân từ trung ương đến địa phương.

Phải có khung pháp lý cho hạ tầng số (luật về dữ liệu, bảo vệ thông tin cá nhân). Việc xây dựng hạ tầng số cần phải được nâng cao nhận thức và tập trung xây dựng hạ tầng số, coi đây là các nhiệm vụ hàng đầu trong thời chuyển đổi số.

Trong khi đó theo Thạc sỹ Chu Văn Huy, quá trình chuyển đổi số giúp định hình hoạt động kinh doanh tại doanh nghiệp, thể hiện rõ nhất ở yếu tố tăng kết nối giữa nhân viên, khách hàng và các nhà cung cấp; tự động hóa nhiều hoạt động thủ công, thay thế lao động chân tay bằng công nghệ; hỗ trợ ra quyết định dựa trên dữ liệu lớn và phân tích dữ liệu; đẩy mạnh các sáng kiến về sản phẩm, mô hình kinh doanh, mô hình hoạt động tại doanh nghiệp.

Để thực hiện quá trình này, những đầu tư về công nghệ (như phân tích dữ liệu lớn, các ứng dụng giao tiếp khách hàng, các hệ thống quy trình nghiệp vụ hay nền tảng điện toán đám mây…) đã được doanh nghiệp áp dụng một cách có chọn lọc, đặc biệt trong bán hàng và tiếp thị sản phẩm.

Nhờ đó doanh nghiệp có thể đạt được ưu thế tối đa từ các khoản đầu tư cho công nghệ. Như dữ liệu lớn có thể giúp doanh nghiệp nắm bắt được đối tượng khách hàng mục tiêu, điều chỉnh giá bán hợp lý nhất theo thời gian thực, dự báo nhu cầu của thị trường về các sản phẩm doanh nghiệp cung cấp...

Trong khi đó các ứng dụng giao tiếp khách hàng sẽ giúp cải thiện tương tác của khách hàng với doanh nghiệp thông qua giao diện thân thiện trên môi trường Mobile App hoặc Web App. Công tác quản trị doanh nghiệp (yêu cầu mua sắm, quản lý nhân sự...) có thể được thực hiện tốt hơn nhờ cải thiện luồng thông tin, giảm lãng phí do các hệ thống phần mềm được xây dựng theo định hướng quy trình nghiệp vụ.

Việc mở rộng hệ thống cũng có thể thực hiện nhanh hơn, tiết kiệm hơn bao giờ hết khi được triển khai trên nền tảng điện toán đám mây thay vì tự đầu tư hạ tầng công nghệ của riêng mình.

Tuy nhiên cũng theo đánh giá của Thạc sỹ Chu Văn Huy, để có thể từng bước gia tăng khả năng tiếp cận và thực hiện quá trình chuyển đổi số, bên cạnh việc nâng cao nhận thức về tầm quan trọng và tính cấp thiết của việc thực hiện chuyển đổi số, các doanh nghiệp cần ưu tiên đầu tư vào công nghệ nhằm nâng cao năng lực công nghệ của mỗi doanh nghiệp, coi đây như ưu tiên quan trọng cần thực hiện.

Bên cạnh đó, hoạt động đào tạo một đội ngũ nhân lực có năng lực vận hành các công nghệ trong lĩnh vực chuyên môn phụ trách tại doanh nghiệp rất quan trọng và đây là nhân tố cốt lõi giúp thực hiện việc chuyển đổi từng bước hoạt động của doanh nghiệp tiếp cận với nền kinh tế số.

Theo đó ngoài sự tham gia của các cơ sở đào cũng như sự mạnh dạn trong thay đổi, trang bị những kiến thức tiên tiến về công nghệ (như dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, kinh doanh thông minh, an ninh mạng, quản lý dự án...), rất cần sự tham gia hỗ trợ của các hãng công nghệ lớn trong nước (như Viettel, VNPT) và sự khuyến khích hỗ trợ của Chính phủ sẽ thúc đẩy nhanh, mạnh mẽ hơn nữa năng lực chuyển đổi số tại doanh nghiệp Việt Nam nói riêng, định hình vững chắc nền kinh tế số Việt Nam nói chung.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn