MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
HTX Nông nghiệp dịch vụ Bình Lư (huyện Tam Đường) sản xuất miến đạt OCOP 3 sao. Ảnh: Anh Huy

Phát triển hợp tác xã theo mô hình kiểu mới, thời 4.0

hà lê LDO | 19/04/2024 22:17

Cần thúc đẩy phát triển hợp tác xã (HTX) theo mô hình HTX “kiểu mới”, hiện đại, hay nói cách khác là phát triển những HTX thời 4.0. Những HTX 4.0 các thành viên đều có quyền bình đẳng, vận hành minh bạch, đề cao lợi ích của thành viên, từ đó phát huy được tính công bằng xã hội.

Bà Phạm Thu Lan, Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn cho biết như trên tại Diễn đàn “Kinh tế tập thể và công bằng xã hội” do Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phối hợp với Tổ chức lao động quốc tế ILO tổ chức ngày 19.4 tại Hà Nội.

Cũng theo bà Lan, ở Việt Nam, phát triển kinh tế tập thể, HTX đang góp phần thực hiện mục tiêu mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đã xác định trong quá trình đi lên chủ nghĩa xã hội, đó là xây dựng một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Trong đó, yếu tố công bằng luôn được các HTX đề cao. Cụ thể, mọi thành viên trong HTX đối xử với nhau một cách bình đẳng, không có sự phân biệt giai cấp, giới tính, địa vị, tôn giáo, giàu nghèo... Ở đó, tiếng nói của mọi người đều được lắng nghe, tôn trọng, miễn là tiếng nói đó mang lại lợi ích cho số đông thành viên trong HTX.

Bà Ingrid Christensen - Giám đốc ILO Việt Nam - cho biết, các HTX đang đóng góp phần không nhỏ vào phần tăng trưởng kinh tế xã hội của Việt Nam. Để làm được điều đó, HTX cần một môi trường thuận lợi cả ở bên trong và bên ngoài. Một số yếu tố thuận lợi đã xuất hiện, cụ thể là Luật HTX 2023 đã được thông qua và có hiệu lực vào 1.7.2024.

Hiện nay, nhiều HTX thể hiện quyền năng công bằng khi luôn tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo, các bạn trẻ, người dân tộc thiểu số, phụ nữ tham gia mô hình kinh tế tập thể, giúp họ trở thành người làm chủ kinh tế gia đình, đóng vai trò quan trọng trong xã hội.

Tuy nhiên, nhìn chung, khu vực kinh tế tập thể, HTX vẫn đang gặp những khó khăn nhất định trong phát huy tính công bằng xã hội. Đặc biệt, các HTX có phụ nữ quản lý, tham gia vẫn có quy mô nhỏ nên việc tiêu thụ sẽ gặp khó khăn nhất định. Bên cạnh đó, các HTX đông phụ nữ đang có những bất lợi nhất định trong ứng dụng công nghệ thông tin, đầu tư khoa học công nghệ. Các lao động nữ trong HTX được đào tạo vẫn còn hạn chế.

Đơn cử tại HTX thịt chua Thanh Sơn (Phú Thọ), bà Hà Thị Ngọc Điệp, Giám đốc HTX cho biết, HTX đang nằm trên địa bàn miền núi nên thành viên phần đông là đồng bào dân tộc thiểu số. 90% thành viên là phụ nữ nên việc tiếp cận, ứng dụng công nghệ thông tin còn khó khăn. Nếu có các dự án, chính sách hỗ trợ HTX tiếp cận công nghệ thông tin hiệu quả thì HTX sẽ tiếp tục phát huy vai trò của mô hình kinh tế tập thể trong phát triển gắn với công bằng xã hội như tạo việc làm, hỗ trợ thành viên giảm nghèo, bình đẳng giới…

Luật HTX 2023 đang hướng đến những nhóm chính sách tạo điều kiện cho những thành viên chịu thiệt thòi, bất lợi khi tham gia HTX; đưa ra các nguyên tắc để đảm bảo khu vực kinh tế tập thể, HTX hoạt động công bằng, bình đẳng với các khu vực khác. Ngoài ra, Luật HTX 2023 đã có những chính sách ưu tiên đối với các HTX vùng sâu vùng xa, HTX có đông phụ nữ, HTX có người điều hành quản lý là phụ nữ…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn