MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Phát triển năng lượng "giật cục", bất hợp lý do thiếu luật?

Cường Ngô LDO | 01/07/2022 17:40

Phát triển ngành năng lượng tại Việt Nam hiện nay còn thiếu 2 luật quan trọng là Luật Năng lượng và Luật Năng lượng tái tạo. Điều này dẫn đến các chính sách điều hành phát triển ngành điện còn có tình trạng "giật cục", bất hợp lý giữa nhiệt điện than, điện mặt trời, điện gió.

Nhận định trên được các chuyên gia của Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) nêu lên tại buổi gặp gỡ giữa GIZ và các cơ quan thông tấn báo chí.

Theo GIZ, Chương trình hỗ trợ năng lượng (ESP) với sự hợp tác giữa Bộ Công Thương và GIZ đã và đang góp phần thực hiện chiến lược giảm phát thải khí nhà kính và chiến lược phát triển xanh của Việt Nam.

Thiếu luật về năng lượng tái tạo

Thời gian qua, năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời có sự phát triển bùng nổ, điều này góp phần bổ sung nguồn điện quan trọng, đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia. Tuy nhiên, do tính chất bất định và phát triển nhanh trong một thời gian ngắn, điện mặt trời đã gây những khó khăn nhất định trong công tác vận hành hệ thống điện.

Bà Vũ Chi Mai - Trưởng hợp phần năng lượng tái tạo (GIZ) - cho biết, mặc dù năng lượng mặt trời tạo ra năng lượng sạch, tái tạo và bền vững, nhưng quá trình sản xuất các thiết bị có thể gây hại cho môi trường và kèm theo phát thải cacbon và khí nhà kính, đốt nhiên liệu hóa thạch, chất thải nhựa và sử dụng các vật liệu độc hại.

Ngoài ra, bà Mai nêu lên những khó khăn, thách thức của việc phát triển kinh tế năng lượng ở Việt Nam. Đó là, hạ tầng lưới ở Việt Nam chưa phát triển nhanh, dẫn đến hạn chế khiến các tổ chức không thể phát triển tối đa kinh tế năng lượng tái tạo.

Theo bà Mai, Việt Nam cần có những dự án lưới điện thông minh nhằm phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng thông minh, hoàn chỉnh, sánh ngang với các quốc gia tiên tiến ở ASEAN.

Đây hệ thống điện lưới có phương thức trao đổi hai chiều, cho phép trao đổi điện và thông tin theo cả hai hướng giữa các công ty điện lực và người tiêu dùng. Sáng kiến này cho phép tích hợp trên quy mô lớn các dạng năng lượng tái tạo trở nên hiệu quả, đáng tin cậy, an toàn và bền vững.

Bà Vũ Chi Mai tại buổi chia sẻ thông tin. Ảnh: V.T 

Ông Dương Mạnh Cường - cán bộ cao cấp dự án Lưới điện thông minh cho năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng cho biết, Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị nêu rõ yêu cầu phát triển Lưới điện thông minh để đảm bảo độ tin cậy và an ninh của nguồn cung năng lượng quốc gia và giúp đạt được các mục tiêu trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm của Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, trong đó có mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính 15% vào năm 2030 và 20% vào năm 2045.

Theo ông Dương Mạnh Cường, những thành tựu tiêu biểu sau 5 năm thực hiện dự án lưới điện thông minh tập trung vào 3 lĩnh vực chính: Hoàn thiện khung pháp lý, nâng cao và phát triển năng lực, hợp tác công nghệ.

Dự án đã nghiên cứu mã code để phát năng lượng cho toàn mạng lưới điện nhanh hơn; đã thúc đẩy điều chỉnh phụ tải điện bằng cách thiết kế các cơ chế dựa trên giá và dựa trên ưu đãi phù hợp cho Việt Nam, đó là nghiên cứu biểu giá CPP - tăng giá theo giờ.

Tuy nhiên, ông Dương Mạnh Cường nhận định, Việt Nam còn thiếu 2 luật quan trọng là Luật Năng lượng và Luật Năng lượng tái tạo. Dẫn đến các chính sách điều hành phát triển ngành điện còn có tình trạng "giật cục", bất hợp lý giữa nhiệt điện than, điện mặt trời, điện gió.

Các chuyên gia GIZ khuyến nghị Bộ Công Thương cần rà soát và đề xuất cập nhật lộ trình phát triển lưới điện thông minh kết hợp chỉ số lưới điện thông minh. GIZ đề xuất bộ tiêu chí để Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Bộ Công Thương tham khảo để xây dựng một bộ chỉ số lưới điện thông minh và áp dụng cho các tổng công ty điện lực.

Điện than khó tiếp cận vốn

Ông Nguyễn Anh Dũng - cán bộ cao cấp Dự án Năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng cho biết, khi thiết kế lộ trình chuyển dịch năng lượng bền vững của Việt Nam cần hướng đến hiện thực hóa chuyển dịch năng lượng theo hướng tổng hòa các chính sách gia tăng tỉ lệ nội địa hóa.

"Hiện nay, giá năng lượng tái tạo đã rẻ và có sự cạnh tranh hơn nhiều so với trước. Các quốc gia đang phát triển cần tìm ra những con đường đi riêng cho mình", ông Nguyễn Anh Dũng nhấn mạnh.

Ông Dũng cho rằng, thuế carbon sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự cạnh tranh của các doanh nghiệp. 

Còn bà Vũ Chi Mai cho rằng, năm 2020, những đầu tư tài chính từ khu vực tư nhân vào năng lượng tái tạo ở Việt Nam tăng lên mức đột phá. Từ trước tới nay, Việt Nam chủ yếu tập trung ổn định năng lượng than. Tuy nhiên, việc dừng các dự án điện than mới đã đặt ra yêu cầu đảm bảo nguyên liệu đầu vào như thế nào để có sự ổn định.

"Chúng ta quen với việc dùng năng lượng dự trữ, nhưng tính chất của dự trữ là sẽ hết khi sử dụng cạn kiệt. Và khi dịch chuyển sang năng lượng tái tạo thì hình thành được vòng tuần hoàn, đó mới là yếu tố để phát triển năng lượng bền vững", bà Mai nêu rõ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn