MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trung du và Miền núi phía Bắc đang thiếu chuỗi liên kết vùng kinh tế. Ảnh AT

Phát triển Trung du và Miền núi phía Bắc thiếu chuỗi liên kết vùng kinh tế

Minh Hạnh LDO | 20/04/2021 21:10
Vùng Trung du và Miền núi phía Bắc gồm 14 tỉnh và là một trong 6 vùng kinh tế của cả nước. Nhưng vẫn chỉ là phép cộng cơ học của các địa phương chứ chưa có chuỗi liên kết trong vùng, trong việc hình thành các khu kinh tế và các dự án phát triển mang dấu ấn vùng.

Đó là ý kiến của các chuyên gia kinh tế tại Diễn đàn “Đầu tư phát triển trung du và miền núi phía Bắc” do Ban kinh Tế Trung ương và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức chiều 20.4.2021 tại tỉnh Phú Thọ.

Là một trong 6 vùng kinh tế xã hội, bao gồm 14 tỉnh, với tổng diện tích khoảng 100.965km2, chiếm 28,6% diện tích cả nước; tổng dân số 13.853.190 người, trong đó có khoảng 30 dân tộc đang sinh sống. Theo thống kê, hiện quy mô GDP năm 2020 của vùng đạt 8% cả nước và có mức tăng 1,7 lần so với năm 2005. Nhiều sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia như cam chiếm hơn 20% tổng sản lượng cả nước; bưởi chiếm 29,3% và chè chiếm tới 77%.

Các diễn giả tham gia phiên thảo luận tại diễn đàn. Ảnh: AT

Tuy nhiên, phát triển của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ vẫn còn nhiều hạn chế. Đây vẫn là vùng nghèo và khó khăn nhất của cả nước. Thu nhập bình quân đầu người thấp và khoảng cách về thu nhập so với cả nước đang có xu hướng doãng ra. Tỉ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước (2018), trong đó tỉ lệ hộ nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số ở mức cao. Nhiều chỉ số về văn hoá, xã hội đạt mức thấp hơn trung bình toàn quốc.

Theo Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - bà Trần Thị Hồng Minh, nếu không có liên kết các vùng, nội vùng, liên vùng thì tất cả vấn đề liên quan đến phối hợp, phát huy thế mạnh của từng địa phương, từng vùng với nhau sẽ rất khó khăn trong triển khai do thiếu cơ sở pháp lý.

Cùng đó, lĩnh vực kinh tế, phát triển của các địa phương trong vùng chưa đồng đều. Số lượng doanh nghiệp hoạt động thấp, đa phần các doanh nghiệp là những doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ và nhỏ. Quy hoạch và phát triển các khu công nghiệp còn chưa mang tính vùng, chưa đồng bộ với quy hoạch phát triển đô thị, khu dân cư nông thôn, hạ tầng kinh tế xã hội, đang tạo sức ép lớn đối với môi trường.

Tỉ lệ lấp đầy các khu, cụm công nghiệp thấp. Hầu hết sản phẩm công nghiệp chế biến vẫn ở dạng chế biến thô và gia công. Cơ cấu lại ngành nông nghiệp và đổi mới mô hình sản xuất trong nông nghiệp còn chậm, hiệu quả thấp. Các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nông sản giữa doanh nghiệp và nông dân chưa nhiều...

Theo PGS-TS Nguyễn Hồng Sơn - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, cần đánh giá về thực trạng các nguồn lực, hiệu quả phân bổ và sử dụng các nguồn lực cho phát triển vùng trong thời gian qua, nhất là các nguồn lực đầu tư công và nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách cho phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông.

Đồng thời, phân tích, đánh giá ưu điểm, hạn chế của những cơ chế, chính sách về thu hút và phân bổ các nguồn lực đang được thực hiện trong vùng, trên cơ sở đó, đề xuất các cơ chế, chính sách phát triển đặc thù, phù hợp trong thời gian tới.

Vùng Trung du và Miền núi phía Bắc bao gồm 14 tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Yên Bái, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn