MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Phát trực tiếp tiền mặt cho dân nghèo - đề xuất táo bạo nhất mùa COVID-19

Hương Nguyễn LDO | 16/09/2021 19:55

Chuyên gia kinh tế đưa ra đề xuất khá táo bạo là cần nhanh chóng hỗ trợ trực tiếp tiền mặt cho người yếu thế đang khốn khổ trong đại dịch COVID-19

Lý giải cho đề xuất trên, TS Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo & Nghiên cứu BIDV cho rằng, hiện các giải pháp giãn, hoãn thuế nợ vay... là cần nhưng chưa đủ và quá chậm.

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến hết sức phức tạp, đời sống của người dân, nhất là người nghèo, lao động tự do trở nên rất khó khăn. Qua kinh nghiệm các nước đang phát triển và thực tế tại Việt Nam, việc hỗ trợ tiền mặt đối với người dân cần được ưu tiên thực hiện bởi 5 lý do chính.

Thứ nhất, đại dịch COVID-19 đã và đang ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân lao động, trong đó nhu cầu trang trải chi phí sinh hoạt là cấp thiết.

Trong khi đó, những người dân này vẫn phải trang trải các khoản chi phí, nghĩa vụ nợ (chi phí sinh hoạt, tiền thuê nhà, tiền khám chữa bệnh....), tạo sức ép tài chính và tâm lý rất lớn đối với người dân. Do đó, việc hỗ trợ tiền mặt để duy trì cuộc sống là một yêu cầu cấp thiết đối với người dân lúc này. 

TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế đưa ra những giải pháp mới để hỗ trợ người dân mùa COVID-19.

Theo Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2021, có 12,8 triệu lao động chính thức bị tác động tiêu cực, trong đó 557 nghìn lao động (chiếm 4,35%) bị mất việc làm; 4,1 triệu lao động tạm nghỉ việc (chiếm 32%); 4,3 triệu lao động bị cắt giảm giờ làm hoặc phải nghỉ giãn việc (34,1%); và 8,5 triệu lao động bị giảm thu nhập (66,4%). Cùng đó, khoảng 29,3 triệu lao động tự do bị mất việc làm bởi giãn cách.

Thứ hai, hỗ trợ tiền mặt có tác động tức thời, góp phần kích cầu tiêu dùng. Khác với các biện pháp hỗ trợ kinh tế khác như giảm thuế, phí, tạm dừng đóng bảo hiểm... có độ trễ khi triển khai, việc phát tiền mặt (nếu được triển khai tốt) có tác động gần như tức thì khi người dân sử dụng tiền để trang trải chi phí sinh hoạt cho bản thân và gia đình.

Thứ ba, hỗ trợ tiền mặt là 1 trong những biện pháp phổ biến được nhiều quốc gia triển khai nhằm giúp người dân đối phó với tác động của dịch bệnh. Bên cạnh việc triển khai các biện pháp hỗ trợ tài khóa và tiền tệ; nhiều quốc gia như Mỹ, Châu Âu, Canada, Hàn Quốc, Thái Lan, Nigeria, Peru, Sri Lanka, Togo... phát tiền mặt cho người dân, nhất là trong năm 2020 và đợt dịch bùng phát gần đây.

Thứ tư, hỗ trợ tiền mặt sẽ giúp người dân yên tâm chấp hành các biện pháp giãn cách xã hội, đảm bảo an dân và an sinh. Việc được hỗ trợ tiền mặt sẽ giúp người dân yên tâm hơn về nguồn tài chính. Từ đó, làm giảm sức ép phải ra ngoài kiếm sống. Bên cạnh đó, việc phát tiền mặt cũng có ý nghĩa to lớn đối với các đối tượng yếu thế (người nghèo, người tàn tật, người mất khả năng lao động...), vốn là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi dịch bệnh.

Thứ năm, hỗ trợ tiền mặt gây ra ít tác động phụ so với các biện pháp tiền tệ và tài khóa khác. So với các biện pháp hỗ trợ như giảm lãi suất, cho vay ưu đãi, giảm thuế..., phát tiền mặt với quy mô hợp lý (mức chi tiêu trung bình của hộ dân), thời gian phù hợp (trong thời gian giãn cách xã hội) và đúng đối tượng (những người thu nhập trung bình và thấp) sẽ ít gây tác động tiêu cực khiến cho tiền hỗ trợ chảy vào các kênh đầu tư rủi ro như chứng khoán, bất động sản; thậm chí, còn góp phần gây nên tình trạng bong bóng tài sản và tăng áp lực lạm phát.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn