MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thu phí tin tức là cuộc đấu cam go và lâu dài. Ảnh: Thế Lâm

Phí tin tức: “Cuộc đấu” gay go chưa cân sức với Facebook, Google

Thế Lâm LDO | 06/09/2020 07:36

Thông tin chính quyền Australia quyết thông qua dự luật buộc các nền tảng công nghệ như Google, Facebook phải trả phí tin tức cho các hãng tin, báo chí và Facebook phản ứng ngược lại bằng cách dọa chặn sự chia sẻ link tin tức trên nền tảng này đang gây ra dư luận đa chiều.

Ai thiệt hơn ai?

Nhà báo chuyên về công nghệ Phạm Hồng Phước đánh giá, nếu Facebook áp dụng chính sách ngăn chặn việc chia sẻ (share) link tin tức báo chí trên nền tảng này, và tiếp đó nếu kéo theo cả Google cũng không thu thập thông tin báo chí cho Google News, Google Search (tìm kiếm) thì thiệt hại lớn trước hết thuộc về báo chí. Theo ông Phước, ngày nay bất cứ tờ báo nào cũng mở ra các trang fanpage để chia sẻ các đường link tin tức và bài viết nhằm quảng bá tác phẩm, đồng thời thu hút thêm nhiều độc giả, lượt đọc. Thậm chí, ông Phước cho rằng: “Nếu cả hai nguồn này đều bị chặn trong cuộc đấu tranh chấp giữa Google, Facebook với các hãng tin, báo chí, thì thiệt hại về lượt xem (trafic) đối với báo chí là rất lớn”.

Theo ông Vũ Thanh Long - sáng lập kiêm giám đốc điều hành ứng dụng về sức khỏe eDoctor, nếu chính sách chặn share link tin tức từ báo chí lên các nền tảng của Facebook và Google được thực thi thì thiệt hại thuộc về cả hai bên. Tuy nhiên theo ông Long, thiệt hại về phía Facebook và Google ít hơn, trong khi đó thiệt hại về phía báo chí trong thời điểm trước mắt và ngắn hạn sẽ lớn hơn. “Ngày nay, mọi người đã quen đọc tin tức, báo chí trên điện thoại qua các đường link share trên Facebook hoặc tìm kiếm qua Google. Chính vì thế, lượng lượt đọc từ hai nền tảng này đóng góp rất lớn cho các tờ báo, trang tin online”, ông Long cho biết.

Nhìn vào thế cục trong cuộc tranh chấp phí tin tức, hiện trên toàn cầu mới có Australia làm quyết liệt hơn cả. Pháp là quốc gia từng đi đầu nhưng vấn đề cốt lõi là thực thi lại chưa cho thấy hiệu quả rõ ràng. Ông Long cho rằng, qua đó cho thấy Facebook, Google đang tập trung trong tay một quyền lực quá lớn về việc phân phối tin tức.

Có thể thay thế, bù đắp lượt đọc từ Google, Facebook?

Theo lôgíc, nếu cứ nhìn vào quyền lực phân phối tin tức của hai nền tảng Google, Facebook hiện nay là vô đối thì cuộc đấu giành quyền lợi phí tin tức giữa báo chí với hai “ông lớn” này đang thiếu cân sức, với lợi thế nghiêng về Google và Facebook. Tuy nhiên, trên thực tế có một tình huống thú vị có thể giúp giải mã phần nào vấn đề là trường hợp Trung Quốc. Trung Quốc đại lục, nơi cả Google và Facebook không hoạt động, nhưng tin tức báo chí vẫn có thể kéo dài “bước chân” của mình nhờ vào mạng xã hội nội địa Weibo, công cụ tìm kiếm Baidu, hay các ứng dụng có chia sẻ tin tức như Douyin (ứng dụng tương tự TikTok dành cho thị trường Trung Quốc đại lục có cùng một công ty mẹ là ByteDance), WeChat…

Ông Vũ Thanh Long cho rằng, về cả lí thuyết và trên thực tế, hoàn toàn có thể xây dựng các phương án như một ứng dụng chia sẻ tin tức quốc gia, hay các ứng dụng chia sẻ tin tức trong nước và nước ngoài tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam hiện cũng có các mạng xã hội nội địa, các siêu ứng dụng và ứng dụng… để chia sẻ link tin tức báo chí. Tuy nhiên, điều tiên quyết  ông Long cho rằng là nếu không có hành lang pháp lí rõ ràng, minh bạch về bản quyền, về phân chia quyền lợi mỗi bên ngay từ ban đầu… thì cũng sẽ xuất hiện rào cản tương tự như trường hợp báo chí Australia đang đấu với Facebook, Google để đòi quyền lợi.

Theo nhà báo Phạm Hồng Phước, cộng cả các nguồn trên cũng không thể thay thế hay bù đắp được cho khoản hụt về lượng views do Facebook, Google chặn link tin tức báo chí.  Chính vì thế, cuộc đấu quyền lợi giữa báo chí và Facebook, Google nên theo hướng thỏa thuận. Tuy nhiên có nhiều ý kiến cho rằng nếu Facebook, Google không đồng ý chia sẻ quyền lợi và ngăn chia việc share link, thì phương án thỏa thuận cũng sẽ bế tắc.

Trên thực tế, Báo Mới là một mô hình phân phối tin tức nhưng đã từng xảy ra không ít hệ lụy đối với các báo và trang tin vì từng phải lụy, “nhờ vả” vào Báo Mới. Vấn đề đó cũng có lý do lớn từ việc thiếu hành lang pháp lí minh bạch về quyền lợi các bên ngay từ ban đầu. Và cho tới bây giờ vẫn chưa hoàn thiện hành lang pháp lý về vấn đề này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn