MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thu hoạch lúa tại Thái Bình. Nguồn: KHCN

Philippines giảm thuế nhập khẩu gạo: Cơ hội cho gạo Việt gia tăng xuất khẩu

Phong Nguyễn LDO | 03/06/2021 07:47
Theo TS Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), việc Philippines giảm thuế suất nhập khẩu gạo xuống 35% là mức thuế hấp dẫn, tạo cơ hội cho Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu gạo sang Philippines. Trong nhiều năm gần đây, Philippines là thị trường hàng đầu của Việt Nam trong XK gạo. Riêng 4 tháng đầu năm 2021, gạo của Việt Nam xuất sang Philippines đạt hơn 715.000 tấn, trị giá hơn 380 triệu USD.

Gạo Việt tại thị trường hàng đầu

Từ ngày 30.5.2021, Sắc lệnh số 135 năm 2021 của Tổng Thống Philippines về việc “Tạm Thời điều chỉnh mức thuế NK đối với gạo căn cứ theo Mục 1611 của Đạo luật số 10863, hay là Đạo luật về hiện đại hóa hải quan và thuế quan”, có hiệu lực thi hành. Theo đó, mức thuế suất NK gạo của Philippines giảm xuống còn 35% (trước đây là 40% đối với gạo NK theo hạn ngạch và 50% đối với gạo NK ngoài hạn ngạch). Chính sách này được áp dụng trong vòng một năm, kể từ ngày 30.5.2021.

Trao đổi với PV Lao Động, TS Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), nhấn mạnh: Thuế suất 35% là mức thuế suất hấp dẫn, tạo cơ hội cho Việt Nam đẩy mạnh XK gạo sang Philippines. Trong nhiều năm gần đây, Philippines luôn là thị trường hàng đầu của Việt Nam trong XK gạo.

Theo Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), từ khi Luật thuế hóa mặt hàng gạo của Philippines bắt đầu có hiệu lực đến nay, gạo Việt Nam khi XK sang quốc gia này cả trong và ngoài hạn ngạch đang được hưởng mức thuế suất 35%, thấp hơn mức thuế áp dụng cho các nước xuất khẩu gạo truyền thống khác như Ấn Độ, Pakistan.

Các thương nhân xuất nhập khẩu (XNK) lúa gạo cũng cho hay, Philippines là thị trường XK gạo lớn nhất của Việt Nam, với số lượng gạo XK sang quốc gia này chiếm 36,27% tổng lượng gạo XK của cả nước trong 4 tháng đầu năm (số liệu tháng 5 Tổng cục Hải quan chưa công bố - PV), chủng gạo mà quốc gia này NK cũng tương đối bình dân, chủ yếu là gạo trắng, ít thơm (chiếm 63,1% số lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam sang quốc gia này), gạo thơm và gạo jasmine chỉ chiếm khoảng 21,9% (số liệu bình quân của các tháng đầu năm 2021 - PV). Thống kê cho thấy, 4 tháng đầu năm 2021 XK gạo của Việt Nam sang Philippines đạt hơn 715 nghìn tấn, trị giá hơn 380 triệu USD.

Cần làm gì khi lợi thế về thuế bị “cào bằng”

Theo Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), việc Philippines giảm thuế NK gạo xuống còn 35% tuy tạo điều kiện cho Việt Nam đẩy mạnh số lượng XK sang thị trường này, hỗ trợ Philippines có nguồn gạo ổn định trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, việc “cào bằng” mức thuế nhập khẩu gạo đối với tất cả các nước ở mức 35% lại khiến Việt Nam gặp khó khăn hơn khi XK gạo, bởi “trước khi có chính sách giảm thuế này của Philippines, Việt Nam vẫn đang được hưởng thuế suất XK gạo 35%” - ông Nguyễn Trung Kiên - Chủ tịch Hội đồng quản trị - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Gentraco, cho biết.

Theo doanh nhân Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, Philippines giảm thuế NK gạo không làm thay đổi khả năng cạnh tranh của gạo Việt Nam, vì mức giảm này được áp dụng cho tất cả các nước có XK gạo vào Philippines.

“Việt Nam mất đi ưu thế về thuế so với các nước khác, gặp cạnh tranh gay gắt về giá từ các nước xuất khẩu gạo truyền thống như Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan…” - Công văn của Cục XNK (Bộ Công Thương) gửi VFA và các DN kinh doanh, XK gạo nêu rõ.

Như vậy, lợi thế của Việt Nam vẫn giữ nguyên và lợi thế của các nước tăng lên. Điều này cho thấy gạo XK của Việt Nam sẽ bị giảm ưu thế tại thị trường Philippines ít nhất là trong vòng 1 năm cho đến khi chính sách giảm thuế này được thay đổi.

Chính từ sự bất lợi này, Cục XNK khuyến nghị các DN XK gạo chỉ ký hợp đồng với những thương nhân Philippines đã được Bộ Nông nghiệp Philippines cấp Giấy Chứng nhận vệ sinh và Kiểm dịch thực vật (SPS-IC). Hơn nữa, chính sách giảm thuế này có thể thay đổi bất cứ lúc nào nên các DN cần theo dõi sát tình hình, đánh giá đầy đủ các rủi ro chính sách để xây dựng phương án giao dịch, ký kết và thực hiện hợp đồng phù hợp, đồng thời có phương án đề phòng rủi ro trong kinh doanh.

Các DN cần tăng cường giám sát chất lượng gạo XK để đảm bảo uy tín tuyệt đối cho gạo của Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay; kịp thời phát hiện các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, có thể gây mất uy tín cho XK gạo của Việt Nam.

“Đặc biệt để ổn định chất lượng gạo, các DN cần tăng cường hợp tác, liên kết với các hợp tác xã và hộ nông dân sản xuất lớn tại các vùng sản xuất lúa gạo trọng điểm; giảm tối đa các khâu trung gian ở cả đầu vào và đầu ra để hỗ trợ giảm giá thành, nâng cao sức cạnh tranh cho gạo XK của Việt Nam” - ông Trần Quốc Toản - Phó Cục trưởng Cục XNK (Bộ Công Thương) nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn