MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hội thảo "Giải pháp bảo vệ khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng" do Ngân hàng Nhà nước tổ chức tại Hà Nội. Ảnh: CH.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước lý giải loạt thông tin về vấn đề xác thực sinh trắc học

Minh Ánh LDO | 04/07/2024 09:49

16,6 triệu tài khoản khách hàng đã được xác thực sinh trắc học kể từ ngày đầu tháng 7. Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, ngành ngân hàng đang rất nỗ lực, thức khuya dậy sớm để triển khai Quyết định 2345.

Sáng 4.7, Ngân hàng Nhà nước tổ chức Hội thảo "Giải pháp bảo vệ khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng" nhằm cung cấp thông tin, trao đổi, thảo luận về thực trạng và đề xuất các giải pháp trong việc bảo vệ khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng hiện nay.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng cho biết, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có chỉ thị, liên tục có văn bản chỉ đạo và gần đây nhất là Quyết định số 2345/QĐ-NHNN về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng (Quyết định 2345).

Phản hồi về một số ý kiến phản ánh việc triển khai xác thực sinh trắc học khi giao dịch trực tuyến được làm gấp, không có thời gian thí điểm, Phó Thống đốc cho biết, kế hoạch triển khai Quyết định 2345 đã được thiết lập từ tháng 3.2023 và chính thức ban hành 12.2023. Vì vậy, ông khẳng định ngành ngân hàng đã có sự chuẩn bị.

Khẳng định lại các điểm quan trọng của Quyết định 2345, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chia sẻ, trước đây nhiều người lo sợ giấy tờ của mình bị các đối tượng chụp lại và mở tài khoản bằng giấy tờ giả, hoặc thậm chí mở tài khoản ngân hàng bằng giấy tờ thật của mình.

Tuy nhiên, với Quyết định 2345, tình trạng này sẽ được giải quyết dứt điểm, việc mở tài khoản sẽ đúng người, mở bằng chính căn cước công dân đã được cơ quan chức năng công nhận.

"Quyết định 2345 bản chất là để làm sạch tài khoản ngân hàng, xóa các tài khoản không chính chủ. Chúng ta có thể yên tâm rằng sẽ không có tài khoản ngân hàng sử dụng giấy tờ giả" - Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng nói.

Tiếp đó, khi đã có tài khoản chính danh, sẽ không có trường hợp một số đối tượng mở tài khoản rồi cho thuê tài khoản bất hợp pháp. Bởi với Quyết định 2345, khi khách hàng giao dịch trên 10 triệu đồng phải được xác thực sinh trắc học, đúng thông tin người mở tài khoản.

"Đến 17h chiều qua 3.7, chúng tôi thống kê có 16,6 triệu tài khoản khách hàng được ngân hàng kiểm tra đối chiếu với dữ liệu của Bộ Công an.

Có thể nói, con số này bằng 1 năm ngành ngân hàng mở tài khoản cho khách hàng. Tôi công tác tại ngành ngân hàng 33 năm, con số vừa nêu là con số rất lớn. Việc có người dân gặp vướng mắc khi xác thực sinh trắc học là có nhưng là số ít và đã được các ngân hàng hỗ trợ tại quầy" - Phó Thống đốc nói.

Lãnh đạo NHNN cho biết, một ngân hàng thực hiện xác thực nhiều nhất là 2,6 triệu khách hàng. Con số này thống kê trong những ngày đầu tháng 7, tăng gấp 10, thậm chí 20 lần so với những ngày thường.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng khẳng định việc người dân gặp vướng mắc khi xác thực sinh trắc học là có nhưng là số ít và đã được các ngân hàng hỗ trợ tại quầy. Ảnh: Minh Ánh

"Khi công suất tăng gấp 10-20 lần thì khó tránh khỏi việc ách tắc cục bộ. Bình quân 1 ngày trên hệ thống chuyển tiền liên ngân hàng, có khoảng 2 triệu lượt giao dịch trên số tiền 10 triệu đồng trở lên.

Trong những ngày gần đây, chúng tôi đi ngủ lúc 1h sáng, dậy 6h sáng, có những chuyên viên đi ngủ lúc 3h sáng. Tôi khẳng định, đến nay không còn tình trạng ách tắc" - Phó Thống đốc nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn