MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Phó Thủ tướng: Giá xăng dầu tăng cao gây khó khăn cho doanh nghiệp

Nhóm PV LDO | 23/05/2022 11:43
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, thời gian vừa qua, nền kinh tế trong nước đã có những khởi sắc, tuy nhiên, giá một số hàng hoá, nguyên liệu đầu vào tăng, nhất là mặt hàng xăng dầu và thiếu hụt nhân lực lao động... là những vấn đề gây khó cho doanh nghiệp.

Kinh tế nhiều khởi sắc

Trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022 tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cho biết, thời gian qua, dịch bệnh COVID-19 đã tác động lên mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội, gây khó cho người dân, doanh nghiệp.

Như giá cả một số hàng hoá, nguyên liệu đầu vào tăng cao, nhất là giá mặt hàng xăng dầu, nguồn nhân lực lao động thiếu hụt đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân.

Trước tình hình đó, Chính phủ đã thực hiện nhiều chính sách, khuyến khích, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Chính vì vậy, trong nước, nền kinh tế được mở cửa trong trạng thái bình thường mới, dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát, tạo tiền đề quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, các hoạt động văn hoá - xã hội dần trở lại bình thường. 

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành báo cáo tại Quốc hội. Ảnh: Quochoi 

Từ đó, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 2,1%; kim ngạch nhập khẩu đạt 119,8 tỉ USD, tăng 15,7%; xuất siêu trên 2,5 tỉ USD. Tăng trưởng GDP quý I đã đạt 5,03%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2020 và 2021.

Đáng chú ý, một số dự án chậm tiến độ, kéo dài nhiều năm được Chính phủ tích cực xử lý, đạt kết quả bước đầu, như Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, 5/12 dự án thua lỗ, kéo dài, 2 ngân hàng yếu kém.

Để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6% - 6,5% như Quốc hội đề ra, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã nêu ra 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong thời gian tới. Trong đó, cần tiếp tục thực hiện hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Quốc hội và Chính phủ; tập trung kiểm soát dịch COVID-19 và phục hồi nhanh, phát triển Kinh tế - xã hội bền vững. 

Các cơ quan chuyên trách cần điều hành linh hoạt, phối hợp chặt chẽ chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách khác nhằm tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn và kiểm soát lạm phát. Đồng thời, cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, nhất là các ngân hàng thương mại yếu kém. 

Tăng cường quản lý, giám sát thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, bảo đảm phát triển lành mạnh, an toàn và bền vững. Theo dõi chặt chẽ thị trường, giá cả; điều hành, bình ổn giá; thúc đẩy thương mại, xuất nhập khẩu; có giải pháp hiệu quả duy trì ổn định chuỗi cung ứng. 

Đối với việc triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân vốn đầu tư công, Phó Thủ tướng nhấn mạnh "kiên quyết điều chuyển vốn đầu tư công năm 2022 của các bộ, ngành, cơ quan trung ương, địa phương chậm triển khai cho các đơn vị, dự án khác có khả năng hoàn thành sớm, phát huy hiệu quả".

Lưu ý các bất ổn của thị trường tiền tệ, chứng khoán, trái phiếu.

Phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV sáng nay (23.5), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đã lưu ý một số nội dung quan trọng.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh tới những tác động và khó khăn mới phát sinh do diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, khu vực; bất ổn của thị trường tiền tệ, tài chính, chứng khoán, trái phiếu, bất động sản ở trong và ngoài nước để đánh giá sát, đúng những kết quả quan trọng đã đạt được, những bất cập, hạn chế, yếu kém.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 3. Ảnh: Quốc Chính

Đồng thời chỉ rõ những khó khăn, thách thức phải vượt qua và hiến kế, đề xuất những giải pháp thiết thực, hiệu quả để hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách năm nay, tạo tiền đề để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội cho cả giai đoạn 2021 - 2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội sẽ xem xét, phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2022 trên cơ sở xem xét báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước.

Theo quy định pháp luật hiện hành, Quốc hội xem xét, quyết định thông qua quyết toán ngân sách Nhà nước sau khoảng 18 tháng kể từ năm ngân sách kết thúc.

Do vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm, không coi đây là "việc đã rồi", tập trung thảo luận, đánh giá thực chất tình hình dự toán, chấp hành và quyết toán ngân sách Nhà nước, phân tích, chỉ rõ nguyên nhân của những bất cập, tồn tại kéo dài nhiều năm qua.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn