MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Chưa bao giờ và không bao giờ Chính phủ phá giá đồng tiền để hỗ trợ xuất khẩu.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Không bao giờ Chính phủ phá giá đồng tiền

Hùng - Trung - Nguyên LDO | 27/10/2018 19:41

Chưa bao giờ và không bao giờ Chính phủ phá giá đồng tiền để hỗ trợ xuất khẩu. Chính phủ không có động thái nào trong việc nới lỏng kiểm soát lạm phát. Đó là khẳng định của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại nghị trường Quốc hội chiều 27.10. 

Dự trữ ngoại hối kỷ lục

Mở đầu phát biểu, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Việc phát triển nhanh và bền vững, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất chất lượng của nền kinh tế là chủ trương xuyên suốt của Đảng và Nhà nước. 

Thực hiện chủ trương về tái cơ cấu nền kinh tế, Chính phủ đã hành động quyết liệt. Ghi nhận trong 3 năm qua có chuyển biến tích cực, rõ rệt về chất lượng tăng trưởng. Theo đó, tăng trưởng trong 3 năm qua khá toàn diện ở cả 3 lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp cũng như dịch vụ. 

Theo Phó Thủ tướng, tăng trưởng không chỉ dựa vào đầu tư và xuất khẩu mà chú trọng phát triển đầu tư trong nước. Trong 3 năm qua, tổng kim ngạch bán lẻ hàng hoá đều tăng trên 10%, năm 2018, tốc độ tăng thị trường trong nước tương đương tăng xuất khẩu, khoảng 11,2%.

Năng suất lao động gia tăng, Việt Nam là nước có tốc độ tăng năng suất cao nhất trong khu vực vượt mục tiêu nhiệm kỳ này là 5%. Tuy nhiên, năng suất lao động tuy tăng nhưng chủ yếu do vốn và do đóng góp đầu tư, một phần phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài, nguy cơ tụt hậu trong bối cảnh công nghệ 4.0.

Sức cạnh tranh của nền kinh tế tăng lên, 3 năm liền có thứ hạng cao trong các diễn đàn đầu tư cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. 

Hiện nay chúng ta đã có dự trữ ngoại hối kỷ lục, trên 60 tỉ USD. Trong thời gian vừa rồi chúng ta kiểm soát tốt lạm phát ở mức 4%; giữ được mặt bằng lãi suất và giảm được lãi suất ở một số lĩnh vực ưu tiên. Điều hành tỉ giá theo nguyên tắc thị trường có tính chất thận trọng hơn. 

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng, cần thẳng thắn nhìn nhận, chất lượng tăng trưởng chưa đáp ứng yêu cầu, nếu không củng cố thì thiếu bền vững. Chất lượng thể chế, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực đang còn nhiều hạn chế. Chuyển dịch cơ cấu lao động chậm so với chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế. 

Phó Thủ tướng khẳng định, Chính phủ tiếp tục đầu tư xuất khẩu bên cạnh đẩy mạnh thị trường trong nước để cho kinh tế tư nhân ngày càng là động lực quan trọng trong tăng trưởng kinh tế và thu hút chọn lọc hơn dự án FDI theo hướng thân thiện môi trường, quản trị tốt, sẵn sàng kết nối các DN trong nước. 

Về ổn định kinh tế vĩ mô, kinh tế nước ta có độ mở lớn, đến nay tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đã bằng 1,9 - 2 lần GDP, trong khi đó kinh tế thế giới có nhiều diễn biến khó lường, đặc biệt việc bảo hộ thương mại, chiến tranh thương mại giữa các nước lớn, tỉ giá, giá dầu thô không ổn định...

Không có chuyện phá giá đồng tiền

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, Chính phủ luôn coi kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô hàng đầu, đảm bảo cân đối nền kinh tế.

Trước băn khoăn về tỉ lệ lạm phát và nguy cơ phá giá đồng tiền khi hỗ trợ xuất khẩu, Phó Thủ tướng khẳng định: Chính phủ nhất quán chính sách ổn định giá trị đồng tiền. Chưa bao giờ và không bao giờ phá giá đồng tiền hỗ trợ xuất khẩu. Chính phủ không có động thái nào trong việc nới lỏng kiểm soát lạm phát. 

Trước đó, ĐB Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) băn khoăn: Tại sao chúng ta lại không tiếp tục kiên định mục tiêu, kiềm chế lạm phát dưới 4%. Với việc Chính phủ đặt mục tiêu lạm phát khoảng 4% thay cho dưới 4% trong năm 2019 thì tôi không rõ. “Tôi cho rằng việc chuyển từ mục tiêu cứng rõ ràng dưới 4% sang một mục tiêu mềm có phần mơ hồ hơn, khoảng 4% là một bước lùi trong hoạch định chính sách và hậu quả sẽ khó lường”.

Củng cố băn khoăn này, một lần nữa Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Trong điều hành, Chính phủ và Thủ tướng điều hành chặt chẽ, kiểm soát lạm phát dưới mức 4%.

Về băn khoăn của ĐBQH về tình trạng nợ xấu, Phó Thủ tướng thông tin, hiện đã giảm mạnh về nợ xấu. Toàn hệ thống từ 10 xuống 8% năm 2016, bây giờ còn 6,7%. Các tổ chức tín dụng chúng ta đã phê chuẩn được 50 đề án cụ thể. 

Về nợ quốc gia, một số đại biểu băn khoăn nợ nước ngoài của quốc gia tăng sát trần. Theo Phó Thủ tướng, nợ nước ngoài của quốc gia bao gồm nợ DN và nợ Chính phủ. Nợ nước ngoài của Chính phủ chúng ta đã giảm 60% trước đây xuống 40% trong cơ cấu nợ. Thủ tướng đã có hạn mức rất chặt chẽ cho nợ nước ngoài của quốc gia, sẽ tiếp tục kiểm soát chặt vấn đề này. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn