MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Phối hợp đồng bộ giải pháp chính sách tiền tệ

TRÍ MINH LDO | 21/10/2022 09:57

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có báo cáo thực hiện Nghị quyết số 62/2022/QH15 về hoạt động chất vấn, Nghị quyết số 63/2022/QH15 về Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV (lĩnh vực ngân hàng) gửi về Quốc hội.

NHNN linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ để ổn định kinh tế vĩ mô. Ảnh: TL
Mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô

Đáng chú ý, trong báo cáo này, về điều tiết tiền tệ nhằm góp phần hỗ trợ ổn định tỉ giá và kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, trước diễn biến phức tạp của kinh tế thế giới và căng thẳng địa chính trị, trong những tháng đầu năm để hỗ trợ phục hồi kinh tế, NHNN thực hiện chào mua giấy tờ có giá với khối lượng phù hợp.

Từ giữa tháng 6.2022, trước những diễn biến bất lợi của thị trường quốc tế, NHNN đã phải kiểm soát chặt chẽ tiền tệ để hỗ trợ ổn định thị trường ngoại hối thông qua việc phát hành tín phiếu NHNN và kiểm soát khối lượng chào mua qua nghiệp vụ thị trường mở.

Lạm phát 9 tháng đầu năm 2022 được kiểm soát tốt, trong đó bình quân là 2,73%, lạm phát cơ bản bình quân 1,88%, góp phần tạo nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Kết quả kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô cũng là cơ sở quan trọng để tổ chức quốc tế đánh giá tích cực về tình hình và triển vọng phát triển của Việt Nam. Tháng 9.2022, Moody’s Investors Service nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2, triển vọng Ổn định (Việt Nam là 01 trong 04 quốc gia trên thế giới được Moody’s nâng bậc tín nhiệm quốc gia kể từ đầu năm 2022 đến nay); đồng thời, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam lên 7% trong năm 2022, cao hơn 1 điểm phần trăm so với mức dự báo trước đó.

Về điều hành lãi suất, theo báo cáo trong 8 tháng đầu năm 2022, NHNN giữ nguyên các mức lãi suất điều hành trong bối cảnh lãi suất thế giới tăng nhanh và áp lực lạm phát trong nước gia tăng, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp; chỉ đạo TCTD tiết giảm chi phí hoạt động để tiếp tục phấn đấu giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn.

Do chịu nhiều tác động tổng hợp từ diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính, tiền tệ trong và ngoài nước, mặt bằng lãi tiền gửi và lãi suất cho vay bình quân toàn hệ thống đến cuối tháng 8 có xu hướng tăng so với cuối năm 20213.

Tuy nhiên, trong bối cảnh xu hướng lạm phát quốc tế tiếp tục ở mức cao, trong nước tác động vòng 2 tăng áp lực lên lạm phát, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất nhanh, mạnh và dự báo đạt mức 4,5-4,75% vào cuối năm 2023, để tiếp tục thực hiện các biện pháp nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế, ổn định tỉ giá và thị trường ngoại hối, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng, NHNN tiếp tục điều hành linh hoạt, phối hợp đồng bộ các công cụ và giải pháp chính sách tiền tệ.

Theo đó, ngày 23.9, NHNN điều chỉnh tăng 1%/năm lãi suất điều hành; tăng 0,3-1% lãi suất tiền gửi tối đa bằng VND tại tổ chức tín dụng.

Tỉ giá chịu áp lực lớn

Riêng về tỉ giá và ngoại tệ, từ đầu năm 2022 đến nay (đặc biệt là từ giai đoạn tháng 3), tỉ giá và thị trường ngoại tệ chịu áp lực lớn từ những diễn biến phức tạp, khó lường trên thị trường quốc tế (Fed đẩy mạnh lộ trình thắt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất ở mức độ lớn với tần suất cao, đồng USD quốc tế có thời điểm tăng đến hơn 19%, xung đột Nga - Ukraine làm chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục gián đoạn làm giá xăng dầu và hàng hóa tăng cao...). Cân đối cung - cầu trên thị trường ngoại tệ trong nước khó khăn, hệ thống tổ chức tín dụng bán ròng ngoại tệ cho khách hàng.

Trong bối cảnh đó, NHNN đã điều hành tỉ giá chủ động, phù hợp vừa tạo dư địa để tỉ giá diễn biến linh hoạt hơn, hấp thụ cú sốc bên ngoài, vừa bán lượng lớn ngoại tệ can thiệp để bổ sung nguồn cung thanh khoản cho thị trường. Nhờ đó, 9 tháng đầu năm 2022, VND mất giá khoảng 4,8% so với USD, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực, diễn biến thị trường ngoại tệ tương đối ổn định, thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn