MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nông nghiệp được coi là trụ đỡ của nền kinh tế, cần tăng trưởng sau đại dịch để đóng góp vào tăng trưởng GDP của đất nước. Ảnh: Khánh Vũ - Văn Giang

Phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19: Nông nghiệp phải đạt kim ngạch xuất khẩu 40-41 tỉ USD

Vũ Long LDO | 06/06/2020 11:00
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cần phải tập trung hơn nữa khởi động lại nền kinh tế, phấn đấu GDP năm 2020 đạt mức tăng trưởng trên 5%. Theo đó, các ngành kinh tế phải tăng tốc để bù lại “quãng thời gian ngủ đông” do dịch bệnh. Ngành nông nghiệp được coi là trụ đỡ kinh tế sau dịch COVID-19, cần khởi động lại một cách mạnh mẽ, quyết liệt để có thể đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 40-41 tỉ USD, đóng  góp quan trọng cho tăng trưởng GDP của cả nền kinh tế.

Lương thực, thực phẩm - 2 lĩnh vực trọng yếu phải thúc đẩy tăng trưởng

Trao đổi với PV Lao Động chiều 3.6, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Nông nghiệp với vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm an ninh lương thực, đồng thời cần phát huy vai trò nông nghiệp là trụ đỡ cho tăng trưởng của nền kinh tế. Sau đại dịch, 2 vấn đề cần được quan tâm thúc đẩy tăng trưởng là lương thực và thực phẩm.

“Về lương thực, đảm bảo mục tiêu sản xuất 43,5 triệu tấn lúa, vừa đảm bảo nhu cầu trong nước, vừa đáp ứng mục tiêu xuất khẩu. Về thực phẩm, tăng cường đẩy mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm, tăng trưởng cây trồng với 20 triệu tấn rau, 13,5 triệu tấn củ, quả; 9,5 triệu tấn thủy sản; 5,8 triệu tấn thịt; 1,2 triệu tấn sữa; 14,6 tỉ quả trứng. Về mục tiêu xuất khẩu, phấn đấu đạt kim ngạch 40-41 tỉ USD” - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết 

Những lĩnh vực của ngành nông nghiệp sẽ đóng vai trò then chốt đẩy mạnh tăng trưởng GDP nông nghiệp trong giai đoạn mới, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, là các lĩnh vực lâm nghiệp, trồng trọt, thủy sản, chăn nuôi.

“Đây  là 4 trụ đỡ của ngành, đóng góp vào tăng trưởng GDP nông nghiệp nói riêng và GDP cả nước nói chung, mặc dù năm 2020 ngành nông nghiệp phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức như dịch bệnh COVID-19, biến đổi khí hậu gây nhiều hình thái thiên tai như hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL và miền Trung, mưa đá, giông lốc tại nhiều tỉnh phía Bắc” - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.  

Mới đây, tại Hội nghị bàn giải pháp thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong điều kiện dịch COVID-19, Bộ Trưởng Bộ NNPTNT - Nguyễn Xuân Cường khẳng định: Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp còn đối mặt với nhiều thách thức do dịch bệnh, thiên tai, do đó ngành nông nghiệp phải chuẩn bị các kịch bản để sẵn sàng tăng tốc sản xuất khi dịch bệnh được kiểm soát. Cần tập trung thúc đẩy sản xuất, khắc phục khó khăn, cung ứng thực phẩm trong mọi hoàn cảnh; tập trung các biện pháp khống chế dịch bệnh không để phát sinh, không để thực phẩm leo giá và đặc biệt, không để tình trạng trục lợi xảy ra. Chuẩn bị điều kiện tốt nhất để thúc đẩy sản xuất, tìm thị trường mới cho các mặt hàng xuất khẩu sau dịch bệnh được kiểm soát.

Những giải pháp 

Theo các chuyên gia kinh tế, dịch bệnh COVID-19 đã thay đổi khá nhiều các hình thức giao dịch thương mại và tư duy tiêu dùng. Các doanh nghiệp và các địa phương cũng đã xác định mục tiêu để điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh cho phù hợp từ quý II/2020.

Tại tỉnh Vĩnh Phúc, đến nay, đã có 1.329 cơ sở chế biến nông sản thực phẩm, trong đó có 25 doanh nghiệp sơ chế, chế biến nông sản thực phẩm và 1.304 cơ sở chế biến có quy mô nhỏ lẻ. Tỉ lệ cơ giới hóa trong làm đất trồng lúa đạt trên 90%, trong thu hoạch lúa đạt trên 70%. Từ việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến nông sản, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, ngành nông nghiệp Vĩnh Phúc ngày càng phát triển, trong đó, ngành trồng trọt đang từng bước chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa. 

TP.Hải Phòng cũng có nhiều địa phương tiêu biểu trong công tác chủ động đảm bảo sản xuất kinh doanh trong giai đoạn mới. Tiêu biểu như Hợp tác xã Dân Lập, xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) của anh Đinh Khắc Vấn làm giám đốc với 5 công nhân và 40 lao động trực tiếp. Tổng diện tích HTX Nuôi trồng thủy sản cá sạch Dân Lập là 28ha, với mức đầu tư trên 5 tỉ/năm. HTX đã chọn cá trắm đen, cá vược... là những loài cá tiêu thụ mạnh ở thị trường nội địa.

Theo ông Mai Kiều - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bình Thuận, để phát triển trồng trọt, ngành nông nghiệp đã đẩy mạnh cơ cấu lại lĩnh vực trồng trọt theo hướng phát triển sản xuất quy mô lớn, gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị, tập trung đối với các cây trồng lợi thế của tỉnh như thanh long và các loại nông sản hàng hóa có giá trị khác.

Còn theo Sở NNPTNT tỉnh Trà Vinh, vùng nguyên liệu dừa hữu cơ diện tích hơn 220ha của 202 hộ nông dân xã Tân Hòa, huyện Tiểu Cần (tỉnh Trà Vinh) vừa được công nhận đạt chuẩn quốc tế (Châu Âu - EU, Mỹ - USDA). Vùng nguyên liệu dừa hữu cơ này do Công ty cổ phần Chế biến dừa Á Châu bao tiêu đầu ra.

Bà Nguyễn Ngọc Hài, Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Trà Vinh cho biết: Mô hình trồng dừa hữu cơ được liên kết khá chặt chẽ bởi nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà vườn.

“Toàn bộ diện tích dừa hữu cơ đạt chuẩn này đều được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm với mức giá cao hơn giá thị trường từ 10-15%. Hiện Công ty trách nhiệm hữu hạn chế biến dừa Lương Quới đang triển khai xây dựng vùng nguyên liệu dừa hữu cơ để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Hiện nay, tỉnh Trà Vinh đang có hơn 23.000ha dừa trồng tập trung chủ yếu ở các huyện Châu Thành, Tiểu Cần và Càng Long” - bà Hài cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn