MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ tịch UBND TPHCM phát biểu tại hội thảo phục hồi kinh tế giai đoạn 2022-2025. Ảnh: TTBC

Phục hồi kinh tế TPHCM: “Cú đấm” kích cầu chính là đầu tư công

Thế Lâm LDO | 16/10/2021 11:57

Nhiều kiến nghị được đưa ra tại hội thảo “Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội TPHCM giai đoạn 2022-2025” diễn ra sáng nay (16.10). Tuy nhiên, vấn đề trọng tâm được đề cập nhiều lần chính là thúc đẩy đầu tư công để qua đó thúc đẩy đầu tư của xã hội.

Theo TS.Hoàng Công Gia Khánh, trong 9 tháng đầu năm 2021, đầu tư công giảm mạnh. Trong bối cảnh giãn cách, các dự án đầu tư công càng bị đình trệ.

TS.Khánh cho rằng, trong bối cảnh mở cửa lại kinh tế sau dịch, các chính sách càng phải được triển khai nhanh vì ngay lúc này cho dù các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ đã từng bước phục hồi nhưng đầu tư tư nhân chưa thể phục hồi ngay.

Ông Khánh nhấn mạnh, chính quyền TPHCM cần có các gói đầu tư công đặc biệt về hạ tầng, cần giải ngân nhanh ngay quý IV thì mới có thể giúp kinh tế thành phố phục hồi nhanh.

Tiến sĩ Trần Du Lịch - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế TPHCM - thậm chí còn đề xuất mạnh hơn: TPHCM nên dùng đầu tư công như một công cụ kích cầu để phục hồi kinh tế.

“Cứ 1 đồng đầu tư công tại TPHCM sẽ kéo theo từ 8-10 đồng đầu tư tư nhân. Đầu tư công cũng sẽ kích tổng cầu như trường hợp nước Anh giai đoạn 1929-1933” - ông Lịch cho biết.

Theo ông Lịch, TPHCM cần mạnh dạn đưa tất cả dự án của giai đoạn 2026-2030 vào các gói đầu tư công phục hồi kinh tế. Nếu làm được thì sẽ giúp “cứu nền kinh tế”, đồng thời giải quyết được bài toán hạ tầng nhanh hơn, như giao thông, nhà ở, chống ngập, môi trường…

“Nếu chúng ta làm được khối lượng dự án đầu tư công của 10 năm trong 4 năm tới (2022-2025), thì sẽ có một thành phố hoàn toàn mới từ dịch COVID-19 này” - tiến sĩ Lịch hy vọng.

Cùng với các dự án đầu tư công giúp tổng kích cầu, trong đó ngành xây dựng tạo sẽ đưa TPHCM trở thành một đại công trường, thì ngành bất động sản cũng cần được tháo gỡ nhanh các dự án đang bị tồn đọng lâu nay. Bởi, lĩnh vực bất động sản luôn thu hút vốn đầu tư tư nhân rất lớn trong xã hội.

TS.Nguyễn Trọng Hoài đến từ Đại học Kinh tế TPHCM bày tỏ quan điểm: “Tôi tin TPHCM có khả năng hồi hục mạnh mẽ, đặc biệt là các doanh nghiệp tại thành phố”.

Theo ông Hoài, dư địa về tài khóa của Việt Nam hiện còn rất lớn nhờ tỉ lệ nợ công đang ở mức 56% GDP, các gói hỗ trợ chỉ mới chiếm khoảng 2% GDP trong khi tại nhiều quốc gia trên thế giới tỉ lệ này là từ 5-10%.

TS.Hoài cũng lưu ý, trong các gói đầu tư công thì hệ thống cơ sở hạ tầng cho thành phố chính là trọng tâm, sẽ giúp giảm chi phí giao dịch cho thành phố và qua đó tạo giá trị, sức bật dài hạn.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi trong phát biểu tại hội thảo đã đặt ra 3 vấn đề: Thứ nhất là tập trung đánh giá, nhận diện xu hướng, diễn biến dịch cùng những tác động tích cực, tiêu cực đối với kinh tế cả nước và TPHCM.

Thứ hai là đưa ra những phương án, giải pháp giúp thành phố giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, giữ vững vị trí trong mối tương quan với các thành phố trong khu vực và thế giới.

Thứ ba là vạch ra kế hoạch nhằm duy trì, thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu được đặt ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn