MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đang phục hồi sản xuất nhanh chóng. Ảnh: Hà Anh Chiến

Phục hồi sản xuất, doanh nghiệp vừa và nhỏ khó khăn về vốn và lao động

HÀ ANH CHIẾN LDO | 02/11/2021 06:30
Đến nay, gần như 100% doanh nghiệp trong các khu công nghiệp tại tỉnh Đồng Nai đã hoạt động trở lại. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc phục hồi sản xuất; trong đó khó khăn nhất là về vốn và thiếu lao động.

Thiếu vốn - doanh nghiệp khó càng thêm khó

Dịch bệnh kéo dài khiến dòng tiền của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Đồng Nai bị “đứt gãy”. Khi có cơ hội phục hồi sản xuất, doanh nghiệp tiếp tục đối mặt với các vấn đề như chuỗi cung ứng bị đứt gãy, giá vật tư tăng cao… Ông Đặng Văn Điềm - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Đồng Nai - cho biết: Trong giai đoạn dịch vừa qua, các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt về vốn và lao động.

Đại diện chủ một doanh nghiệp chế biến bảo quản rau củ quả sấy ở xã Phú Túc, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai cho biết: Doanh nghiệp đã hoạt động gần 10 năm và tạo nên thương hiệu “mít sấy Thuận Hương”. Năm 2020, doanh nghiệp vừa mở rộng sản xuất, lắp đặt thêm kho lạnh thu mua các sản phẩm mít, chuối, xoài của nông dân thì dịch bệnh COVID-19 ập đến khiến việc tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn, không bán được hàng và lâm vào cảnh nợ nần, không có tiền trả cho bà con nông dân. Đến đầu năm 2021, doanh nghiệp tăng công suất, thu mua thêm nông sản nhưng tiếp tục gặp đợt dịch lần thứ tư bùng phát và sản phẩm lại tồn đọng. “Công ty hiện nay cũng không có tài sản để thế chấp để vay thêm vốn từ ngân hàng vì hiện chúng tôi đang vay tại 3 ngân hàng” - chủ doanh nghiệp này chia sẻ.

Hiện, các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đang rất mong muốn có thêm chương trình hỗ trợ kịp thời về lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, cân đối, giãn thời hạn đáo hạn nợ… để doanh nghiệp có thể phục hồi sản xuất. Ông Võ Quang Hà - Phó Chủ tịch Hội Gỗ và Thủ công mỹ nghệ tỉnh Đồng Nai - cũng đề cập tới việc hỗ trợ doanh nghiệp vay tiền trả lương cho công nhân với mức lãi suất hỗ trợ, do trong ngành gỗ số công nhân rất lớn, lên tới hàng ngàn người, tiền trả lương cho công nhân từ 4-5 tỉ đồng/tháng.

Ông Nguyễn Khắc Sơn - Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Phát triển đô thị Sơn An - cho hay, trong đợt dịch vừa qua, công nhân lao động ngành xây dựng, đặc biệt là công nhân ở các tỉnh miền Tây đã về quê rất nhiều, khiến doanh nghiệp khó khăn trong việc phục hồi sản xuất. Ngoài ra, doanh nghiệp khó càng thêm khó do giá cả sắt thép tăng cao, thiếu vốn phục hồi sản xuất.

Nhiều chính sách giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất 

Để hỗ trợ các doanh nghiệp nhanh chóng lấy lại đà phục hồi, tỉnh Đồng Nai đã đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ về thủ tục nhanh chóng, kêu gọi lao động trở lại tỉnh Đồng Nai làm việc. Theo đó, Đồng Nai thành lập “Tổ công tác đặc biệt” giúp nắm bắt tốt hơn các vấn đề phát sinh, vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình phục hồi sản xuất.

Ông Cao Tiến Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - cũng đã yêu cầu Sở LĐTBXH gửi công văn tới các địa phương để thống kê số lượng công nhân trở lại tỉnh Đồng Nai và hỗ trợ xe đón công nhân lao động trở lại tỉnh làm việc. Ngoài ra, tỉnh triển khai một gói hỗ trợ lớn dành cho người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn, trong đó, đặc biệt hỗ trợ mỗi người lao động thuê trọ 300.000 đồng/người.

Về vấn đề hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp, ông Cao Tiến Dũng cũng cho rằng: Khó khăn nhất ở thời điểm hiện tại là dòng tiền để duy trì, khôi phục hoạt động sản xuất nên hiện nay các doanh nghiệp đang rất cần được tiếp vốn hoặc giảm, giãn thời gian trả nợ. Do vậy, ông Dũng cũng đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Nai cũng cần phải ghi nhận để phản ảnh với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc nới lỏng chính sách hơn, giúp các doanh nghiệp phục hồi sản xuất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn