MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Phun thuốc, diệt sâu bệnh phải đúng quy trình kỹ thuật

Lê Quốc Phong LDO | 08/07/2017 08:34
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có khí hậu mát mẻ, lượng mưa nhiều, độ ẩm cao, quanh năm có cây cối, các vụ lúa cũng gối đầu nhau, nên lúc nào trên đồng ruộng cũng có đủ thức ăn và nơi trú ngụ cho sâu bệnh.

Mặt khác, các ruộng lúa sau khi gặt, rơm rạ còn nhiều cũng là nơi trú ẩn thích hợp cho sâu bệnh chuyển từ vụ này sang vụ khác, những lúc mưa nắng thất thường cũng là điều kiện lý tưởng cho sâu bệnh phát triển. Chúng ta không thể dùng biện pháp gì để tiêu diệt sạch một loại sâu bệnh trên đồng ruộng, mà chỉ cố gắng làm giảm mật số của chúng xuống để giảm tác hại trên ngưỡng kinh tế. Một số bà con có suy nghĩ là phải diệt hết sâu bệnh nên phun thuốc nhiều lần, phun cả thuốc cấm sử dụng. Điều này vô tình dẫn đến phá hoại cân bằng sinh thái trong tự nhiên, gây tốn kém, ảnh hưởng môi trường, sức khỏe con người và không an toàn cho nông sản.

Các nhà khoa học đã mất nhiều thời gian nghiên cứu để làm giảm mật độ sâu bệnh dưới ngưỡng gây thiệt hại kinh tế, cần tuân thủ làm theo gói kỹ thuật liên hoàn: Làm cho cây khỏe để nâng cao tính kháng sâu bệnh của cây là biện pháp vừa rẻ tiền vừa có hiệu quả kinh tế cao, môi trường sinh thái lại trong sạch và bền vững. Đối với cây lúa, các nhà khoa học cũng khuyên bà con nên làm đất kỹ, sạ thưa, bón phân cân đối, không lạm dụng phân đạm, có chế độ nước thích hợp, thăm đồng thường xuyên và chỉ sử dụng thuốc khi thật cần thiết. Với lúa thời kỳ con gái (khoảng 35-40 ngày trở lại) dù có mất 1-5% số cây, số lá thì hoàn toàn không ảnh hưởng đến mật độ và năng suất về sau. Bà con lưu ý là nếu trồng cây khỏe thì sẽ vượt qua được nhiều trở ngại của môi trường và sâu bệnh.

Trước tình hình thực tế sâu bệnh vụ hè thu và thu đông tại ĐBSCL, bà con cần thực hiện một số giải pháp: Những ruộng lúa chưa đến 40 ngày tuổi dù có bị bệnh hay sâu cuốn lá lác đác thì vẫn không cần phun thuốc, trừ trường hợp có mật độ rầy nâu cao 5-7 con/tép trở lên thì cần phun để đề phòng cháy rầy hoặc rầy mang bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá. Nếu ruộng lúa quá dày, lá mềm, có dư đạm thì giảm hẳn lượng đạm các lần bón sau. Rút nước phơi ruộng cho cứng cây, nếu không rút nước thì bón thêm Kali, tuyệt đối không phun thêm phân bón lá hay bất kỳ một loại phân, thuốc gì gọi là dưỡng cây cả. Những vùng chuẩn bị xuống giống, bà con cần làm theo mô hình đã có hoặc tối thiểu làm theo hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp địa phương để hạn chế việc lúc nào cũng phải đối phó với sâu bệnh hại. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn