MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân trở lại nhịp mua bán bình thường. Ảnh: Kh.V

Qua "cú sốc" ca COVID-19 ở Hà Nội, chợ và siêu thị trở lại nhịp bình thường

Khánh Vũ LDO | 08/03/2020 12:39

Hoạt động mua bán tại các chợ, trung tâm thương mại đã trở lại bình thường, không có tình trạng xếp hàng mua số lượng lớn để tích trữ hàng hóa.

Hàng hóa đầy ắp chợ, giá ổn định

Ngày 8.3.2020, có mặt tại một số chợ dân sinh tại Hà Nội như Đồng Xa, Cầu Giấy, Trung Kính, Diễn, Quan Hoa, Bưởi…, ghi nhận của PV Lao Động là nguồn cung hết sức dồi dào, giá không dao động lớn dù hôm nay (7.3) là ngày rằm. Giá hoa cúc: 2.000 đồng/bông, táo ta: 20.000 đồng/kg, chuối xanh: 15.000-20.000 đồng/nải, thịt lợn: 140.000-180.000 đồng/kg, thịt bò thăn: 270.000 đồng/kg; gạo tám Điện Biên: 150.000 đồng/10kg; tám Thái: 200.000 đồng/10kg; rau muống: 7.000 đồng/mớ, nấm kim châm: 10.000 đồng/túi…

Giá thịt lợn ở mức bình thường, từ 140.000-180.000 đồng/kg. Ảnh: Kh.V

“Giá rau xanh và các loại thực phẩm tại chợ vẫn ổn định, nguồn cung dồi dào. Người tiêu dùng nên bình tĩnh không đọc những nguồn tin thiếu kiểm chứng trên mạng và “chạy theo” gây nên sự xáo trộn, mất ổn định thị trường” – bà Nguyễn Thị Vân, kinh doanh thịt lợn tại khu Văn công Mai Dịch (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ.

Chị Nguyễn Thanh Hà - chủ cơ sở kinh doanh đủ điều kiện an toàn thực phẩm tại Cầu Giấy, cho biết: Khách hàng cần bao nhiêu thực phẩm chúng tôi cũng có thể cung cấp đủ, không lo thiếu và không lo tăng giá.

"Thịt thăn bò sạch tôi bán giá 270.000 đồng/kg, thịt diềm thăn 250.000 đồng/kg, so với giá sau Tết đã giảm 20.000 đồng/kg, lượng hàng về cơ sở rất đồi dào, hoàn toàn không có chuyện khan hiếm thực phẩm. Người dân đừng vội nghe lời đồn để chuốc lấy hoang mang, đổ xô đi vơ vét tạo điều kiện cho một số tư thương kinh doanh kiểu chộp giật đẩy giá lên cao, trục lợi dựa trên nỗi sợ hãi của người khác" - chị Thanh Hà nói.

Chị Nguyễn Mỹ Vân, kinh doanh hải sản cũng cho biết: Lượng hàng tại đầu mối vẫn rất dồi dào, không có chuyện “thổi giá”. “Cho đến thời điểm này, hàng hải sản, thủy sản về chợ vẫn rất dồi dào. Người tiêu dùng đã bình tĩnh trở lại, nên không có hiện tượng mua với số lượng lớn”.

Chị Mỹ Vân cho biết, giá vẫn bình ổn, nguồn cung hải sản không thiếu. Ảnh: Kh.V

Hết "sốc", người tiêu dùng ngừng tích trữ

Chọn mua 3 lạng thịt cho bữa trưa tại sạp thịt đầu phố Mai Dịch, chị Nguyễn Thị An (Khu tập thể Bách Hóa Cầu Giấy, Hà Nội), chia sẻ: “Tôi đi chợ hàng ngày và chỉ mua đủ dùng, không mua tích trữ cho cả tuần. Tôi nghĩ mọi người nếu trang bị khẩu trang, nước sát khuẩn đầy đủ, tuân thủ các khuyến cáo của Bộ Y tế về cách phòng, tránh  COVID-19 (SARS-CoV-2) không cần phải đóng cửa ngồi ru rú trong nhà. Cuộc sống vẫn phải được giữ đúng nhịp, người lớn đi làm, đi chợ, không thể vì hoảng sợ mà có những hành động khiến người khác cũng hoang mang theo”.

Nhịp điệu mua bán tại các chợ trở lại bình thường. Ảnh: Kh.V

Chọn khay thịt trong ngăn mát siêu thị Vinmart trên đường Doãn Kế Thiện, chị Nguyễn Thu Lan (Tòa nhà Sông Hồng - Thái Hà - Đống Đa - Hà Nội) nhận định: “Hàng hóa rất dồi dào, giá không tăng”.

Chị Thu Lan đi chợ hàng ngày, không tích trữ. Ảnh: Kh.V

Ghi nhận của PV tại các chợ, hoạt động mua bán đã trở lại bình thường, lượng hàng hóa phong phú, hoàn toàn không có tình trạng “chặt, chém”, người tiêu dùng đã đi chợ, mua hàng với tâm lý thoải mái, không có hiện tượng mua hàng với số lượng lớn để tích trữ.

Hà Nội đã chỉ đạo các hệ thống phân phối tăng dự trữ hàng hoá từ 30-40%. Lượng hàng cung ứng tăng gấp 4-5 lần so với bình thường. TP.Hà Nội cũng tập trung công tác bình ổn thị trường, thường xuyên thành lập tổ công tác kiểm tra, đồng thời, yêu cầu các trung tâm thương mại, các nhà phân phối, các siêu thị báo cáo giá cả hàng ngày.

(Bà Trần Phương Lan – Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội)

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn