MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Quỹ bình ổn giá xăng dầu lộ diện nhiều bất cập. Ảnh: Anh Tuấn

Quá nhiều "lùm xùm", lại dấy lên đề xuất bỏ Quỹ bình ổn xăng dầu

Cường Ngô LDO | 06/10/2023 18:18

Đại diện doanh nghiệp cho rằng, cùng những "lùm xùm" doanh nghiệp có dấu hiệu chiếm dụng Quỹ bình ổn xăng dầu đến việc trích lập và chi từ quỹ bình ổn chưa hợp lý, khiến nhiều người đặt vấn đề đã đến lúc phải bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu để lĩnh vực năng lượng này được vận hành theo cơ chế thị trường.

"Giọt nước tràn ly" về việc bỏ Quỹ bình ổn xăng dầu

Vừa qua, hai nữ giám đốc, phó giám đốc Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil bị khởi tố do vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Trong đó, doanh nghiệp này bị Bộ Công Thương yêu cầu phải nộp ngay số tiền Quỹ bình ổn vào ngân sách nhà nước.

Vấn đề càng “nóng” hơn khi mới đây, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam BIDV, chi nhánh Long Biên đã tự cấn trừ 270 tỉ đồng từ tài khoản Quỹ bình ổn giá xăng dầu của doanh nghiệp xăng dầu Hải Hà. Đây là "giọt nước tràn ly" khiến dư luận tiếp tục đặt vấn đề đã đến lúc phải bỏ Quỹ bình ổn xăng dầu.

Công ty TNHH Thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil vừa bị Bộ Công Thương yêu cầu nộp toàn bộ số tiền Quỹ bình ổn xăng dầu vào ngân sách Nhà nước. Ảnh: Xuyên Việt Oil

Trao đổi với Lao Động, ông Văn Công Thật - Giám đốc Công ty TNHH KNJ Kim Ngọc (TPHCM) - cho biết, thời gian qua cho thấy, tác dụng kéo giá của quỹ khi thị trường tăng mạnh không nhiều.

Khi giá thế giới giảm nhưng giá xăng trong nước cũng không được giảm theo. Thế nên, nói giá xăng dầu trong nước theo sát giá thế giới chỉ mang tính tương đối, thậm chí có thời điểm còn đi ngược, khi thế giới giảm, giá trong nước lại tăng.

“Việc quản lý, giám sát, hậu kiểm liên quan Quỹ bình ổn giá xăng dầu hoàn toàn không quá khó, nếu chúng ta quyết tâm làm. Để làm được điều này, cơ quan quản lý Nhà nước hãy thanh kiểm tra hết tài khoản Quỹ bình ổn giá xăng dầu tại các doanh nghiệp đầu mối, sẽ làm rõ và trả lời những nghi ngại của người tiêu dùng về quỹ này. Tất cả cần sự minh bạch” - ông Văn Công Thật nhấn mạnh.

Trao đổi với Lao Động, TS Giang Chấn Tây - Giám đốc Công ty Xăng dầu Bội Ngọc (Trà Vinh) cũng cho hay, việc trích lập và chi từ Quỹ bình ổn xăng dầu vừa qua chưa hợp lý, khiến giá trong nước không theo diễn biến thế giới.

Trong khi đó, nguồn tiền trích lập vào Quỹ này thực tế là của người dân khi mua mỗi lít xăng dầu, nhưng mức hưởng lợi chưa tương xứng.

"Nên bỏ quỹ bình ổn và nên áp dụng tính giá vốn hàng mua trong giá cơ sở theo bình quân gia quyền ít nhất là 30 ngày (theo thực tế thời gian từ khi mua hàng đến khi đưa vào sử dụng là khoảng 30 ngày) đó cũng chính là bình ổn giá xăng dầu", ông nói.

Sẽ rà soát Quỹ bình ổn giá xăng dầu

Liên quan đến việc giữ hay bỏ Quỹ Bình ổn giá, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, trong Luật Giá (sửa đổi) đã được thông qua và có hiệu lực từ 1.7.2024 vẫn có quy định về Quỹ bình ổn giá. Trước khi thông qua, Bộ Tài chính đã tổng hợp nhiều ý kiến và có báo cáo đầy đủ, khách quan đối với việc duy trì Quỹ hay không.

Ông cho rằng, Quỹ bình ổn giá là một biện pháp bình ổn giá, nên việc sử dụng quỹ như thế nào là một quá trình triển khai trên thực tế theo từng giai đoạn, từng mặt hàng. Đây cũng là khung pháp lý mà Quốc hội đã thông qua và thấy rằng là cần thiết về bình ổn giá.

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi trả lời câu hỏi về việc có nên bỏ Quỹ bình ổn xăng dầu. Ảnh: Nguyễn Phong

Phân tích thêm về các biện pháp bình ổn giá, theo Thứ trưởng Bộ Tài chính, cùng với Quỹ bình ổn giá, một giải pháp quan trọng là dự trữ Nhà nước. Hiện Bộ Công Thương đã thực hiện dự trữ mặt hàng chiến lược xăng dầu.

"Trong đề xuất xây dựng chiến lược ngành dự trữ nhà nước, Bộ Tài chính đang báo cáo Chính phủ để nâng cao vai trò của Tổng cục Dự trữ nhà nước trong dự trữ xăng dầu, để có thể đáp ứng nhu cầu trong tình huống cấp bách, thậm chí là nếu đủ tiềm lực thì can thiệp vào bình ổn giá", Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi thông tin.

Song, lãnh đạo Bộ Tài chính cũng thừa nhận, những diễn biến của tình hình quản lý và sử dụng quỹ này của các doanh nghiệp trong thời gian gần đây cũng đặt ra cho cơ quan quản lý một vấn đề, là làm sao để làm tốt hơn, quản lý chặt chẽ hơn và minh bạch hơn việc hình thành và sử dụng quỹ này.

Lãnh đạo Bộ Tài chính đã chỉ đạo Cục Quản lý giá, chủ trì cùng các đơn vị liên quan để có rà soát và xem xét các quy định hiện hành, các diễn biến trên thực tế để đề xuất với cấp có thẩm quyền hoặc giải quyết trong thẩm quyền của bộ.

"Chúng ta đánh giá dựa trên thực tế về quản lý quỹ, xem đã làm được gì. Cái gì tốt thì tiếp tục, cái gì bất cập thì sẽ sửa đổi để chặt chẽ hơn, đúng mục đích, hiệu quả và minh bạch hơn", lãnh đạo Bộ Tài chính chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn