MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hội thảo “Kiểm toán Nhà nước - 30 năm xây dựng và phát triển”. Ảnh: Ngọc Thùy

Quá trình kiến tạo cơ sở pháp lý của Kiểm toán Nhà nước sau 30 năm nhìn lại

NGỌC THÙY LDO | 03/07/2024 12:59

Tại buổi Hội thảo “Kiểm toán Nhà nước - 30 năm xây dựng và phát triển” do Kiểm toán nhà nước (KTNN) tổ chức sáng 3.7, ở Hà Nội, các đại biểu đã dành nhiều thời gian thảo luận, ôn lại những dấu ấn trong quá trình hình thành hệ thống cơ sở pháp lý cho hoạt động của KTNN.

Từ những căn cứ pháp lý đầu tiên

Phát biểu tham luận tại Tọa đàm về “Xây dựng - Kiến tạo hạ tầng pháp lý hành trình 30 năm xây dựng và phát triển KTNN”, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Hoàng Phú Thọ cho biết, Nghị định số 70/CP và sau đó là Quyết định 61/1995/QĐ-TTg được coi là những căn cứ pháp lý đầu tiên có giá trị như tuyên ngôn khai sinh KTNN, qua đó tạo bước phát triển lớn cho hệ thống các công cụ kiểm tra và kiểm soát tài chính của Nhà nước.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế Hoàng Phú Thọ.

Sau đó, Luật KTNN 2005 được thông qua và có hiệu lực từ ngày 1.1.2006 là một bước ngoặt quan trọng, đã nâng cao địa vị pháp lý của KTNN thêm một bậc. Từ một cơ quan giúp Thủ tướng Chính phủ, trở thành cơ quan thuộc Chính phủ và sau Luật, là cơ quan chuyên môn do Quốc hội thành lập.

Qua đó, hệ thống pháp luật về KTNN ở Việt Nam đã dần hoàn thiện, quy định rõ ràng nguyên tắc hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, đồng thời quy định nhiều điều có ý nghĩa về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của KTNN.

Đến ngày 28.11.2013, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIII đã thông qua Hiến pháp năm 2013. Đây là dấu mốc lịch sử trong hành trình kiến tạo, xây dựng và hoàn thiện cơ sở pháp lý cho KTNN.

Lần đầu tiên, địa vị pháp lý của KTNN và Tổng Kiểm toán nhà nước được quy định trong Hiến pháp - đạo luật cơ bản của Nhà nước, nền tảng pháp lý quan trọng cho tổ chức và hoạt động của KTNN và là một dấu mốc lịch sử trong quá trình xây dựng và phát triển của KTNN.

Sự kiện này đã nâng tầm KTNN từ cơ quan do “Luật định” thành “Hiến định”, khẳng định và nâng cao vị thế, vai trò, trách nhiệm của KTNN trong kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, đồng thời khẳng định vị trí của KTNN trong bộ máy Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

“Việc đưa địa vị pháp lý của KTNN vào Hiến pháp năm 2013 chính là một “mốc son chói lọi” trong hành trình 30 năm phát triển của KTNN”, ông Hoàng Phú Thọ nhấn mạnh.

Hành trình kiến tạo cơ sở pháp lý

Để cụ thể hóa quy định về KTNN trong Hiến pháp 2013, ngày 24.6.2015, Luật KTNN (sửa đổi) đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016, thay thế Luật KTNN năm 2005. Tiếp đó, ngày 26.11.2019, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2020.

Ông Hoàng Phú Thọ đánh giá, hai lần sửa đổi Luật KTNN này đã tạo cơ sở vững chắc để KTNN bước vào một thời kỳ phát triển theo cả chiều rộng và chiều sâu, vươn lên một tầm cao mới, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.

Đến ngày 28.2.2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV, Phiên họp thứ 20 đã thông qua Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN. Qua đó, tạo cơ sở pháp lý cho việc xử phạt các hành vi vi phạm pháp luật về KTNN nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của KTNN.

Tại tọa đàm 1 của buổi hội thảo, Nguyên Tổng Kiểm toán nhà nước Đỗ Bình Dương nhớ lại, trước những đòi hỏi từ thực tiễn cho thấy, địa vị pháp lý của KTNN cần được nâng cao hơn nữa và tương xứng với vị thế, vai trò của một công cụ không thể thiếu trong nền kinh tế thị trường và trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Ban đầu, kế hoạch chỉ là xây dựng Pháp lệnh.

Nguyên Tổng Kiểm toán nhà nước Đỗ Bình Dương (thứ 2, từ phải sang) phát biểu tại tọa đàm 1 của buổi hội thảo.

“Nhưng sau đó, chúng tôi đã đề nghị lãnh đạo Quốc hội và lãnh đạo Chính phủ cho KTNN làm luật. Lúc đó, tôi đã giao vụ Pháp chế đọc tất cả luật các nước nhưng vẫn phải sát với thực tiễn Việt Nam để xây dựng luật”, Nguyên Tổng Kiểm toán nhà nước Đỗ Bình Dương nói.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Đặng Văn Hải, khi xây dựng Hiến pháp, tất cả người trong Ban soạn thảo, Tổ biên tập đều mong có một từ “kiểm toán” trong Hiến pháp. Và cuối cùng, Quốc hội đã dành hẳn một điều là Điều 118 quy định riêng về cơ quan KTNN.

Các đại biểu đánh giá, đây là một sự nhìn nhận rất cao về vị trí, vai trò của KTNN, cũng như sự kỳ vọng của Quốc hội vào cơ quan KTNN trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng tài chính, tài sản công, cũng như trong phòng, chống tiêu cực.

Được biết, Hội thảo “Kiểm toán Nhà nước - 30 năm xây dựng và phát triển” là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm, hướng tới 30 năm thành lập Kiểm toán nhà nước (11.7.1994 - 11.7.2024).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn